Đổi mới chất lượng công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm

Cập nhật ngày: 15/10/2020 05:35:53

ĐTO - Từ đầu năm 2020 đến nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tập trung nâng chất lượng công tác tư vấn, đào tạo nghề, giới thiệu, giải quyết việc làm; sắp xếp lại hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo. Sở LĐ-TB&XH cùng các đơn vị trực thuộc khảo sát nhu cầu học nghề, phối hợp cùng các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền liên kết đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.


Sinh viên Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp tham dự Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 11, năm 2020 tại Hà Nội

Sở LĐ-TB&XH tổ chức các đợt khảo sát, kiểm tra, đánh giá tổng thể hiện trạng công tác tuyển sinh, chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm... tại các đơn vị trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp cùng các cơ sở có tham gia dạy nghề toàn tỉnh. Sau khảo sát, đánh giá, Sở LĐ-TB&XH phối hợp cùng các đơn vị, sở, ngành liên quan rà soát, tham mưu UBND tỉnh xem xét, điều chuyển trang thiết bị giữa các đơn vị đào tạo, yêu cầu các đơn vị trực thuộc bảo quản, sử dụng trang thiết bị đúng yêu cầu. Đến năm 2020, có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo từng bước phục vụ nhu cầu dạy và học của học viên. Các thiết bị hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được phục vụ các nghề như điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, cắt gọt kim loại, chế biến và bảo quản thủy sản, nuôi trồng thủy sản và các thiết bị dụng cụ phục vụ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các cơ sở dạy nghề toàn tỉnh duy trì đào tạo 135 ngành, nghề đào tạo trong đó có 63 ngành, nghề hệ cao đẳng, trung cấp; nghề sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng có 45 ngành, nghề; trong lĩnh vực nông nghiệp có 27 ngành, nghề...

Các đơn vị trường, cơ sở dạy nghề đã đổi mới công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh tại các đơn vị trường, hỗ trợ học sinh, sinh viên đăng ký tham gia học nghề, giới thiệu việc làm khi các em ra trường. Như trường hợp của em Bùi Phùng Quang – sinh viên học nghề cơ khí Hàn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp. Em Phùng Quang cho biết: “Khi vào học trong trường, em được giáo viên hướng dẫn thành thạo hệ thống hàn bán tự động. Sau khi đi thực tập và hoàn thành khóa học, em được Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp giới thiệu làm việc tại Công ty Cổ phần cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng. Hiện nay mức thu nhập của em dao động từ 7 - 14 triệu đồng/tháng (nếu tăng ca). Mỗi tháng sau khi trừ chi phí, em vẫn còn tích lũy khoảng 8 triệu đồng...”.

Cùng với công tác tư vấn nghề, việc làm dành cho đối tượng học sinh, sinh viên, tại Đồng Tháp người lao động dễ dàng tìm được cơ hội việc làm với các hình thức đào tạo lao động theo đặt hàng của doanh nghiệp gồm các nghề chế biến bảo quản thủy sản, may công nghiệp... Đảm bảo tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm đạt 100% tại các doanh nghiệp. Sở LĐ-TB&XH đã kết kết hợp tác với các doanh nghiệp, hiện có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ký kết hợp tác đào tạo với các doanh nghiệp từ khâu tiếp nhận học sinh đến thực tập cho đến tuyển dụng học sinh, sinh viên vào làm việc sau tốt nghiệp.

Ngoài ra, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp duy trì, tổ chức ổn định các phiên giao dịch việc làm cố định, di động, mỗi năm mang đến cơ hội việc làm cho hơn 6.000 lao động, học sinh, sinh viên. Đối với các học sinh, sinh viên, người lao động có nhu cầu đi làm có thời hạn ở nước ngoài sẽ được tư vấn, hỗ trợ các thủ tục, chi phí làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có hơn 13.000 lao động được giải quyết việc làm, hơn 700 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt hơn 70% kế hoạch năm. Hiện nay, số lao động trúng tuyển đang học ngoại ngữ, giáo dục định hướng, chờ xuất cảnh hơn 700 người. Tiếp tục tập trung cho công tác tư vấn, đào tạo nghề, việc làm, Sở LĐ-TB&XH tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hình thành mạng lưới liên kết đào tạo, thực hành, xây dựng chương trình, giáo trình, giải quyết việc làm cho người học nghề sau đào tạo. Chú trọng công tác phân luồng hướng nghiệp học sinh vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hệ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn