Xuất khẩu lao động:

Cánh cửa đã rộng mở

Cập nhật ngày: 29/10/2014 14:17:42

Với ý chí quyết tâm tìm một việc làm có thu nhập ổn định, một bộ phận lao động (LĐ) Đồng Tháp không ngại xa nhà, đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Từ ý chí này, ước mơ đổi đời bằng con đường XKLĐ đã trở thành hiện thực với nhiều người. Và gần đây, khi Đồng Tháp triển khai thêm chính sách ưu đãi cho LĐ đi XKLĐ mở ra nhiều cơ hội, thuận lợi cho LĐ đi xuất khẩu.


Quang cảnh buổi tuyển lao động của một công ty Nhật Bản

Quyết tâm thực hiện ước mơ

Bảy giờ sáng, học viên (HV) Trường Nhật ngữ nhân văn (thuộc Công ty TNHH Cung ứng lao động Mê Kông), tọa lạc tại TP.Hồ Chí Minh đã có mặt đủ trong các lớp học. Vừa bước vào lớp 125, tôi hoàn toàn bất ngờ trước tác phong lịch sự và đồng vang câu chào lưu loát bằng tiếng Nhật của HV. Sau đó, thầy Trí kiểm tra bài tập về nhà với những câu hỏi giao tiếp thông thường. Các HV lần lượt đứng lên trả lời bằng tiếng Nhật. Khi một bạn đứng lên trả lời, các bạn còn lại rất chăm chú lắng nghe, mạnh dạn góp ý. Đây là lớp dạy HV những kỹ năng về giáo dục định hướng, học Hán tự với 60 chữ cơ bản, học 25 bài trong sách Minano Nihongo (sách giao tiếp cơ bản bằng tiếng Nhật).


Vợ chồng cô Hoa trò chuyện cùng con gái đang lao động tại Nhật Bản qua internet

Giữa tháng 9 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp tổ chức đợt đưa HV lên TP. Hồ Chí Minh học kỹ năng, học nghề để có cơ hội đi XKLĐ. Theo đó, các HV có một niềm tin thực hiện được ước mơ đi XKLĐ để cải thiện thu nhập, học hỏi kinh nghiệm bằng việc làm phù hợp với trình độ, sức lực của mình. Trường Nhật ngữ nhân văn có gần 30 HV đến từ Đồng Tháp. Tại lớp 125 này, tôi có dịp tiếp xúc với Võ Thị Kim Liên ngụ xã Phú Thành B, huyện Tam Nông và Huỳnh Văn Tài ngụ xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình. Ngày đầu lên TP.Hồ Chí Minh học, Tài không khỏi bỡ ngỡ, nhưng giờ đây, khi nói về tương lai của mình, Tài rất tự tin: “Lần đầu vào học, tất cả đều rất lạ đối với em. Được đào tạo và sống trong môi trường nghiêm túc này, em nghĩ không bao lâu sẽ thực hiện được ước mơ sang Nhật LĐ, kiếm được nhiều tiền giúp đỡ gia đình”. Huỳnh Tuấn Vũ (SN 1991) ngụ xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh đã có bằng kỹ sư môi trường, do không xin được việc làm nên nhiều tháng liền phải ở nhà với tâm trạng buồn. Vũ tự hỏi: Không lẽ sống mãi với cảnh thất nghiệp? Không lẽ phải chùn bước trước những khó khăn?... Và, sau khi tìm hiểu thị trường XKLĐ, Vũ đã có câu trả lời cho mình là phải quyết tâm đi XKLĐ.

Các bạn trẻ đang học tại Trường Nhật ngữ nhân văn đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau. Chính vì quyết tâm thực hiện ước mơ đi XKLĐ mà những khó khăn bước đầu trong sinh hoạt hay những thử thách trong học tập các bạn đều vượt qua. Nhớ lại những ngày đầu tiếp nhận các HV vào trường, cô Lý Ngọc Điệp - Hiệu trưởng Trường Nhật ngữ nhân văn tươi cười kể: “Cả chuyện xử lý mùi hôi trên cơ thể, cách ăn mặc, tóc tai, cách giao tiếp với mọi người, chúng tôi phải chỉ các em từ chút. Các thầy cô chỉ dạy còn hơn ba mẹ ở nhà. Nhưng các em không buồn mà nghiêm túc thực hiện. Có học nghiêm túc như vậy, các em mới có đủ kỹ năng khi tiếp xúc với đối tác người Nhật”.

Tôi đến Trường Nhật ngữ nhân văn đúng vào dịp Công ty Chugôkư Momuzai Kabushiki Kaisya (Nhật Bản) đang phỏng vấn tuyển dụng 22 lao động làm việc vị trí nhóm hàng mộc. Có chứng kiến các HV tham gia phỏng vấn mới cảm nhận hết được sự cố gắng, quyết tâm của các em. Trong số 8 em người Đồng Tháp được tham gia thi phỏng vấn lần này, có 3 em thi đậu, sắp tới sẽ được sang Nhật Bản làm, các em còn lại đang phấn đấu rèn luyện để được tham dự các kỳ phỏng vấn tiếp theo. Sau đợt phỏng vấn, ngài Nakamura Yuji - Trưởng phòng Nhân sự Công ty Chugôkư Momuzai Kabushiki Kaisya bày tỏ: “Tôi nhận thấy các em luôn có sự quyết tâm và mong muốn được sang Nhật Bản làm việc. Phía công ty cũng rất thích lao động Việt Nam, đương nhiên là trong đó có lao động Đồng Tháp.


Học viên người Đồng Tháp tại Trường Nhật ngữ nhân văn phát biểu trong giờ học

Và những thành công

Đối với các bạn trẻ, còn niềm vui nào bằng khi tìm được việc làm với thu nhập cao. Hòa chung niềm vui ấy là những người làm cha, làm mẹ khi chứng kiến những điều tốt đẹp đến với con mình. Căn nhà của cô Hoàng Thị Hoa tại số 75/1, đường Tôn Đức Thắng, khóm 5, phường 1, TP.Cao Lãnh trông bề ngoài vẫn đơn sơ, cũ kỹ như ngày nào, nhưng suốt 1 năm qua, tiếng cười luôn ngập tràn trong căn nhà này. Niềm vui ấy đến từ khi Mai Hoàng Ngọc Bích (SN 1990), con cô Hoa đi XKLĐ ở Nhật Bản vào tháng 10/2013. Bích tốt nghiệp hệ cao đẳng ngành quản trị khách sạn và đã từng làm nhân viên quán ăn và công nhân ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và TP.Hồ Chí Minh nhưng lương thấp. Một lần về thăm nhà, nghe Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp tổ chức sàn giao dịch việc làm có tuyển LĐ đi nước ngoài, Bích đã đến tham gia và quyết định đăng ký đi LĐ tại Nhật Bản. Từ ngày sang Nhật làm việc đến nay, điều kiện sống của gia đình Bích tốt hơn trước rất nhiều. Qua internet, Bích cho tôi biết em thực tập sinh ở Nhật Bản trong thời gian 3 năm, chưa tính tiền tăng ca, mỗi tháng trừ chi phí em còn dư trên 20 triệu đồng gửi về gia đình. Tuy sống ở Nhật thời tiết không được thuận lợi như Việt Nam nhưng môi trường làm việc, học tập rất tốt. Nói đến đó, Bích cầm quyển sách tiếng Nhật lên cho tôi xem và bật mí: “Em đang cố gắng học thật tốt tiếng Nhật để sau khi hết thời gian thực tập sinh sẽ về nước xin vào làm phiên dịch ở công ty Nhật tại Việt Nam”.

Từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng cô Hoa hằng ngày phải đi phụ hồ mướn nhưng nhờ có con đi XKLĐ, cuộc sống gia đình cô giờ đã khấm khá. Chỉ tay về phía 2 nền nhà vừa mới mua, cô Hoa cho biết đó là nền nhà mua được từ tiền của Bích gửi về. Ngoài ra, số tiền Bích gửi về hàng tháng, cô còn đem gửi ngân hàng, khi nào con về nước sẽ trao lại cho con lập nghiệp.

Hôm gặp anh Đặng Bá Hiếu (SN 1980) ngụ thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, đang học tiếng Nhật tại TP.HCM chờ tháng 11 tới sang LĐ tại Nhật Bản, nghe anh kể chuyện đi XKLĐ khiến tôi không khỏi bất ngờ và nể phục. Lần đi LĐ ở Nhật Bản này là lần thứ 3 anh Hiếu đi XKLĐ. Trước đó, anh Hiếu có 3 năm LĐ ở Đài Loan và 5 năm ở Hàn Quốc. Sau 8 năm LĐ ở nước ngoài, thu nhập anh có được là 1,3 tỷ đồng. Số tiền lớn này, anh phụ giúp gia đình và mua được 4 công đất ruộng.

Không chỉ gia đình có con em được đi XKLĐ hạnh phúc mà ngay cả những người đang làm công tác giới thiệu việc làm cũng cảm thấy vui mừng vì các em đã tìm được một công việc với thu nhập cao. Nhớ lại những lần đi tìm hiểu thị trường lao động nước ngoài và những lần đi gặp gỡ, trò chuyện với LĐ đang làm việc ở Malaysia, Hàn Quốc,... Ông Nguyễn Băng Sơn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp cho biết không ít trường hợp ông cũng cảm thấy vừa bất ngờ, vừa ấn tượng. Chẳng hạn như trường hợp chị Hạnh, trên 40 tuổi, nhờ đi lao động nước ngoài mà nuôi được hai đứa con đang học ở Đại học Cần Thơ. Hay vợ chồng em Trần Xuân Lãm đang làm việc ở Malaysia, trước đây gia đình đặc biệt khó khăn, nay được công ty cấp cho căn nhà để ở, 2 vợ chồng kiếm thu nhập hơn 50 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Băng Sơn cho rằng, công tác XKLĐ được tỉnh khởi động lại là cơ hội thuận lợi để người LĐ Đồng Tháp đi XKLĐ ở nhiều thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, MaLaysia, Ma Cau,... Thuận lợi là vì giờ đây, nguồn LĐ ở Đồng Tháp rất dồi dào, trong khi thị trường LĐ ở các nước đang rất thiếu LĐ. Mới đây, Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết về chính sách khuyến khích công tác XKLĐ của tỉnh, sẽ tạo điều kiện về chi phí tham gia chương trình đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cho LĐ.

Hữu Nghĩa

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn