Các cấp bộ Đoàn tích cực tham gia phòng, chống tệ nạn ma túy

Cập nhật ngày: 16/06/2019 05:50:18

Tổng số thanh niên toàn tỉnh trong độ tuổi từ 16 – 30 có mặt thường xuyên tại địa phương là 139.211 người, trong đó có 63.051 đoàn viên. Xuất phát từ thực tế hiện nay, tỷ lệ người nghiện ma túy trong độ tuổi thanh niên tương đối lớn, Tỉnh đoàn xác định công tác phòng, chống ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt được triển khai trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi hàng năm.


Tăng cường nói chuyện dưới cờ về phòng, chống ma túy xâm nhập tại các trường học

Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh đoàn đã cụ thể hóa các giải pháp thực hiện “Đề án phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên giai đoạn 2018-2022” của Trung ương Đoàn; Nghị quyết liên tịch số 03 giữa Bộ Công an và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về “Phối hợp hành động phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên”. Đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao kiến thức về phòng, chống ma túy cho đội ngũ cán bộ Đoàn – Hội các cấp trong tỉnh. Đẩy mạnh các kênh tuyên truyền trên mạng xã hội để thanh niên tiếp cận; tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề nói chuyện trực tiếp với thanh niên trong các khu vực bằng nhiều hình thức: tuyên truyền đối với thanh niên trên địa bàn dân cư thông qua sinh hoạt các câu lạc bộ, tổ chức các diễn đàn trong thanh niên công nhân, tổ chức các phiên tòa giả định, các cuộc thi về phòng, chống ma túy, nói chuyện dưới cờ tại các trường học.

Các cấp bộ Đoàn phát động xây dựng mỗi xã, phường, thị trấn thành lập ít nhất 1 loại hình tập hợp, cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, có biểu hiện vi phạm pháp luật. Trên cơ sở phối hợp với ngành Công an rà soát đối tượng đưa vào diện quản lý và tiến hành các giải pháp can thiệp hỗ trợ như tư vấn tâm lý, định hướng mục tiêu nghề nghiệp, việc làm, theo dõi sự tiến bộ từng trường hợp cụ thể, tiếp cận vận động trực tiếp, mời tham gia các hoạt động của Đoàn – Hội, địa phương... Hiện nay, trong toàn tỉnh có trên 310 mô hình truyên truyền pháp luật trong thanh niên; 191 câu lạc bộ (CLB) giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục thanh niên vi phạm pháp luật hoạt động hiệu quả với trên 4.571 thành viên, tiêu biểu là CLB “Sức sống trẻ” của TP.Sa Đéc; CLB “Nhịp sống trẻ” của huyện Cao Lãnh...

Hàng năm, BTV Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh tiến hành rà soát thực trạng thanh niên trên địa bàn để quản lý, đồng thời phối hợp với ngành Công an các cấp tiến hành rà soát phân loại các đối tượng vi phạm pháp luật và có biểu hiện vi phạm pháp luật, thanh niên nghiện ma túy để theo dõi, phân công cán bộ, đoàn viên phụ trách giúp đỡ tiến bộ. Công tác tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn để chăn nuôi, mua bán được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh triển khai đồng bộ và thu hút nhiều thanh niên đang điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng tham gia, nhiều thanh niên cũng đã tiến bộ như em Võ Văn Trọng (SN 1997) ngụ xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò) đang mở tiệm sửa xe gắn máy, đã cai nghiện thành công khoảng 1 năm 7 tháng; em Phan Thanh Vàng (SN 1993) ngụ phường An Thạnh TX.Hồng Ngự) mở cơ sở dán keo xe, đã cai nghiện thành công khoảng 1 năm 4 tháng.

Cũng theo BTV Tỉnh đoàn, một số đơn vị có nhiều cách làm hiệu quả hỗ trợ thanh niên hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng như: mô hình “Tổ rửa xe thanh niên” của TP.Cao Lãnh (3 tổ) và TP.Sa Đéc (2 tổ) đã giải quyết việc làm ổn định cho nhiều thanh niên. Ngoài ra, các đơn vị khác cũng có nhiều hình thức giới thiệu việc làm giúp thanh niên có thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật như: CLB “Sức sống trẻ” của TP.Sa Đéc (35 CLB); CLB “Nhịp sống trẻ” của huyện Cao Lãnh (22 CLB), Mô hình cà phê pháp luật tại huyện Thanh Bình (13 xã, thị trấn), CLB tư vấn giới thiệu việc làm tại phường 3, TP.Sa Đéc, CLB “Người hoàn lương” tại các xã Tân Hòa, Tân Thạnh và An Phong (huyện Thanh Bình)... hoạt động mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, nhất là góp phần phòng ngừa, hạn chế tình trạng thanh niên sử dụng ma túy, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, công tác tiếp cận, tập hợp đối tượng thanh niên nghiện ma túy và có nguy cơ chưa đạt yêu cầu, thiếu thường xuyên. Số thanh niên nghiện tăng. Sự chuyển biến về cai nghiện chưa cao, tỷ lệ còn rất thấp. Việc tạo việc làm cho các đối tượng tại cộng đồng chưa nhiều. Cán bộ Đoàn chưa được tập huấn về nghiệp vụ xử lý tình huống khi đối tượng ngáo đá.

Để khắc phục những hạn chế trên, hướng tới, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tiếp tục khai thác và phát huy tốt các kênh tuyên truyền hiệu quả của Đoàn, Hội, Đội để truyền thông về tác hại và công tác phòng, chống ma túy trong thanh thiếu nhi toàn tỉnh. Phát huy thực hiện cuộc vận động “Mỗi ngày 1 tin tốt, mỗi tuần 1 câu chuyện đẹp” mạng xã hội do Trung ương Đoàn phát động để thường xuyên thông tin những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, các gương thanh niên tiêu biểu vượt khó để thanh niên học tập. Khảo sát và rà soát các thanh niên đang nghiện ma túy tại cộng đồng và các thanh niên sau thời gian điều trị bắt buộc trở về địa phương để tiếp cận, vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hỗ trợ phù hợp, nhất là tạo việc làm theo hình thức “tự làm” hoặc học nghề. Chọn mỗi Huyện đoàn (tương đương) 1 Xã đoàn (tương đương) có ma túy để tập trung góp phần kiềm chế tình hình thanh niên nghiện ma túy trên địa bàn.

TIẾN ĐẠT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn