Bệnh tay chân miệng tiếp tục diễn biến bất thường

Cập nhật ngày: 06/11/2015 13:07:02

Bệnh tay chân miệng (TCM) đang có diễn biết bất thường là nhận định của Sở Y tế trong cuộc họp đột xuất diễn ra vào ngày 3/11. Số ca mắc bệnh TCM có xu hướng tăng cao trong 7 tuần gần đây, vượt mức năm 2014 dù ngành y tế đã có nhiều động thái tích cực để xử lý dịch, tăng cường hoạt động truyền thông.

Diễn biến bất thường của dịch bệnh được ngành chức năng phân tích dựa vào nguyên nhân: trong số 3.096 ca mắc bệnh, có 1 ca tử vong; dấu hiệu tăng cao từ tuần 38 đến tuần 43 (ngày 25/10/2015), số ca mắc tăng gấp 3 lần so với tuần trước đó; các địa phương có số ca mắc TCM cao là TP.Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, Thanh Bình và Lai Vung.

TP.Cao Lãnh có 753 ca mắc TCM, đứng đầu tỉnh; huyện Cao Lãnh có 688, xếp thứ hai; huyện Tháp Mười 295 ca, có chiều hướng tăng; các huyện Thanh Bình (249 ca), Lai Vung (213 ca), Châu Thành (172 ca) cũng đều ở mức tăng. Trong tổng số 3.095 ca mắc TCM, có 117 ca nặng, tập trung ở trẻ dưới, bằng 3 tuổi (108 ca, chiếm 92,30%). Qua giám sát từ đầu năm đến nay, số trường hợp trẻ bị TCM chủ yếu ở trẻ chưa đi học, chiếm 85,5%.

Trước diễn biến thất thường của dịch bệnh, các địa phương đã triển khai các giải pháp phòng, chống dịch. Tại TP.Cao Lãnh, Trung tâm Y tế thành phố cử cán bộ chuyên môn phối hợp với UBND các xã, phường thực hiện công tác vãng gia từng hộ gia đình; các trường học hướng dẫn người dân, giáo viên, học sinh thực hiện rửa tay sạch, vệ sinh cá nhân. Ngành y tế huyện Cao Lãnh cũng chủ động liên hệ với các xã: Phong Mỹ, Ba Sao, Phương Trà, Tân Nghĩa tổ chức truyền thông phòng, chống TCM; phối hợp Đài Truyền thanh huyện tuyên truyền đến 18 xã, thị trấn; tổ chức phun xịt hóa chất trên diện rộng. Để xử lý kịp thời các ổ dịch tại các xã, thị trấn, Trung tâm Y tế cử cán bộ cập nhật thông tin, phản hồi chuyên môn đến các đơn vị hàng ngày. Huyện Tháp Mười cũng đã hoàn thành việc xử lý 3 ổ dịch nhỏ, tổ chức 2 lớp chẩn đoán bệnh TCM cho cán bộ y tế tuyến xã, thị trấn. Ngành y tế địa phương dự kiến sẽ phun, xịt hóa chất diện rộng tại các xã: Mỹ Đông, Mỹ Quý, Mỹ An, Phú Điền.

Các bệnh viện tuyến tỉnh cũng trong tâm thế sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh TCM. Theo các chuyên gia y tế, bệnh TCM là bệnh do nhóm virus đường ruột Coxsackies, Echo và các virus đường ruột khác hay gặp là EV71, Coxsackie A16, A6. Virus EV 71 có thể gây các biến chứng nặng và dẫn đến tử vong. Nguồn bệnh do người mắc bệnh, người mang virus không triệu chứng; nốt phỏng nước; dịch tiết đường hô hấp trên nước bọt, dịch tiết hầu họng; phân. Do vậy, việc truyền thông thay đổi hành vi cần được thực hiện thông qua sự phối hợp với các hội, đoàn thể tại địa phương. Ngoài ra, việc giám sát chặt chẽ từ cán bộ y tế, xử lý sớm mầm bệnh, không để xảy ra các ca mắc mới cũng cần được triển khai thực hiện khẩn cấp.

Theo nhận định của Sở Y tế, bệnh TCM không phải là loại dịch bệnh mới. Dịch bệnh diễn biến bất thường như hiện nay cũng đã được ngành y tế dự báo từ đầu năm, nhưng dịch bệnh vẫn tăng, đòi hỏi có sự nhìn nhận lại hiệu quả công tác tuyên truyền thay đổi hành vi; vấn đề điều trị tại tuyến cơ sở... Ông Võ Anh Hổ - Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo: “Các đơn vị y tế, nhân viên y tế toàn ngành cần chú trọng nhiều hơn đến đối tượng tuyên truyền. Cán bộ, nhân viên y tế xã, ấp cần được tập huấn kỹ năng tuyên truyền thật tốt; cần cải thiện nội dung truyền thông sao cho người dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Đối với các cơ sở điều trị cần củng cố lại nhân lực, tập huấn phác đồ điều trị, tổ chuyên gia ( xử lý các ca bệnh nặng). Nhiệm vụ của ngành là giảm tuyệt đối các ca tử vong tại các tuyến xã, huyện, tỉnh. Khi bệnh nhân bị bệnh TCM nặng, các đơn vị phải tập trung nguồn lực, theo sát hội chẩn, báo về tuyến trên, chuyển viện an toàn cho bệnh nhân; hạn chế thấp nhất tình trạng lây chéo tại các bệnh viện...”.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn