Ứng xử văn hóa - Một trong những yếu tố của môi trường phát triển nhanh và bền vững

Cập nhật ngày: 12/05/2017 06:26:44

Không ít người nghĩ rằng lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” hay tổng kết của Đảng ta “phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội” là những gì cao xa, to lớn nhưng thật ra, sự khái quát ấy lại rất gần gũi và cụ thể trong đời sống hằng ngày của chúng ta; được thể hiện đa dạng trong nhiều lĩnh vực, riêng trong lĩnh sản xuất hoặc kinh doanh thì nó là một trong những yếu tố của môi trường phát triển nhanh và bền vững.

Ứng xử là hành vi của con người bao gồm lời nói, cử chỉ, hành động hay không hành động trong các mối quan hệ với tự nhiên và với nhau. Ứng xử văn hóa là hành vi có tình người; là sự tôn trọng các giá trị được xã hội thừa nhận, các quy định của cộng đồng mà cao hơn là pháp luật. Ví như ở nước ta, người đi đường phải đi sát lề phải, dừng lại khi gặp đèn đỏ. Cách ứng xử ấy được xem là hành vi có văn hóa và được mọi người tôn trọng. Nó làm cho các hoạt động giao thông trở nên nền nếp, trôi chảy và nếu ngược lại sẽ gây ra các bi kịch. Từ đó, có thể suy rộng ra, ứng xử văn hóa có tác động trực tiếp đến việc phát triển nhanh và bền vững. Xin được nhấn mạnh, vừa nhanh, vừa bền vững. Dẫn chứng về hoạt động sản xuất và kinh doanh dưới đây có thể làm rõ hơn cho nhận định này.

Hầu như ai ai cũng nhận ra rằng sự thịnh vượng của một địa phương nói riêng, của quốc gia nói chung gắn liền với sự phát triển số lượng và chất lượng của doanh nghiệp. Hiện nay, phong trào khởi nghiệp (start - up) nở rộ khắp nơi. Để doanh nghiệp hình thành và phát triển, Nhà nước phải sử dụng các công cụ của mình để khuyến khích và quản lý. Với vai trò “kiến tạo”, Nhà nước chủ yếu xây dựng các cơ chế để mọi người tự làm giàu và giúp nhau cùng làm giàu. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Về phía cộng đồng xã hội, mỗi người phải hiểu được vị trí, vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân để cổ vũ, khích lệ khi thành công; chia sẻ, động viên khi họ gặp rủi ro, thất bại. Chính đó là môi trường tốt cho doanh nghiệp phát triển. Sâu xa hơn, mỗi người phải có mong muốn, ý chí và kiến thức làm giàu. Người giàu trước tạo điều kiện giúp đỡ cho những người khác cùng giàu lên. Nếu được vậy thì đó sẽ là mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp sinh sôi nảy nở. Cộng đồng người Hoa là một hình mẫu về sự tương trợ lẫn nhau trong hoạt động kinh doanh và cùng phát triển. Để trở thành địa phương hay quốc gia khởi nghiệp, người ta kỳ vọng ở lớp trẻ và đặc biệt là ở lứa tuổi đang học phổ thông hiện nay. Đất nước Israen đưa lại nhiều bài học quý về tinh thần khởi nghiệp gắn liền với sự sáng tạo khoa học - công nghệ. Do không hiểu biết, thiếu thông tin và cả tâm lý “tiểu nông” chi phối, một số người lên án, bài xích, “ném đá” vào phong trào khởi nghiệp hay soi mói vào doanh nhân, doanh nghiệp tạo ra lực cản của một xu hướng thịnh vượng và nó trực tiếp hay gián tiếp làm hại chính mình.

Về phía người sản xuất (gọi chung cả người sản xuất để bán và kinh doanh), mình muốn làm giàu (hái ra tiền) phải xuất phát từ chỗ chinh phục khách hàng bằng cách sản xuất như thế nào để có nhiều sản phẩm trên một đơn vị thời gian với chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Ngược với chuẩn hành vi văn hóa đó, người sản xuất “chạy theo” lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, lường gạt “thượng đế” bằng những hàng “dỏm”, “độc” thì rõ ràng hại người và hại mình. Câu chuyện “Rau hai luống, lợn hai chuồng” càng minh chứng mặt hại của việc ứng xử không có văn hóa.

Ứng xử văn hóa là một trong những yếu tố của môi trường phát triển nhanh và bền vững được thể hiện ngay trong mỗi hành vi của con người, từng gia đình, từng cộng đồng nhỏ, từng đơn vị, từng lĩnh vực... chứ chẳng phải đâu xa và cao siêu. Ứng xử văn hóa làm nâng cao chất lượng cuộc sống ngay chính điều kiện sống còn chật vật. Hơn lúc nào hết, mỗi người phải thường xuyên quan tâm xây dựng lối ứng xử văn hóa, trước hết là trong kinh tế. Đây chính là một nội dung được Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

DÂN BIỆN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn