Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo

Trở lại quê nhà, trao lại "đam mê"

Cập nhật ngày: 03/02/2019 06:43:02

ĐTO - Đi đâu cũng không bằng trở về mảnh đất đã sinh ra mình. Với suy nghĩ đó và mến tình đất, tình người Đồng Tháp, sau hơn 70 năm rời quê, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo - “Báu vật sống” của nghệ thuật đờn ca tài tử đã trở lại quê hương Đồng Tháp và trao lại “đam mê” của mình cho thế hệ trẻ quê hương.


Lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành đón nhạc sư Vĩnh Bảo trong ngày ông trở lại Đồng Tháp sinh sống

Sau hơn 70 năm rời Đồng Tháp và góp phần làm rạng danh quê hương với ngón đàn được giới chuyên môn trong và ngoài nước vinh danh, năm 2018, ở tuổi bách niên, trong chuyến về thăm quê theo lời mời của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, nhạc sư Vĩnh Bảo đã có chuyến đi đong đầy kỷ niệm rồi đi đến quyết định: đi đâu cũng không bằng trở về mảnh đất đã sinh ra mình. Những ngày cuối tháng 5, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo rời căn nhà ở TP.Hồ Chí Minh để trở lại quê hương Đồng Tháp an hưởng tuổi già. Ông nói: “Tôi hãnh diện là người con của Đồng Tháp. Làm gì tôi cũng nhớ tôi là người Đồng Tháp chứ không phải nhớ tên mình. Cái tên tôi người ta có thể quên, nhưng Đồng Tháp thì không”.

Không những thế, cảm động trước tấm chân tình của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và mong muốn lưu giữ những nét nhạc cổ truyền nguyên bản nhất cho thế hệ trẻ, nhạc sư Vĩnh Bảo đã trao tặng toàn bộ tư liệu về sự nghiệp âm nhạc mà ông theo đuổi cả đời cho tỉnh nhà, gồm: sách, giáo trình, tư liệu giảng dạy đàn tranh, băng đĩa các loại, những bài báo trong và ngoài nước viết về nhạc sư, thủ bút của nhạc sư, những bài giảng, Huân chương, Bằng khen trong và ngoài nước... ghi nhận một quá trình nghệ thuật bền bỉ. Nhạc sư bộc bạch: “Hiện nay, chúng ta đang đối mặt với cái thất truyền của âm nhạc truyền thống. Nhiều tinh hoa nhạc truyền thống đã ra đi vào cõi vĩnh hằng. Người kế thừa cũng như thính giả ngày càng thưa thớt,.. Thực trạng này khiến ai có tấm lòng với nhạc truyền thống không khỏi đau lòng”.

Và ngày 18/8, cơn mưa chiều không ngăn dòng người mộ điệu đến dự lễ khánh thành nhà trưng bày “Nguyễn Vĩnh Bảo - Giai điệu và cuộc đời” nằm trong khuôn viên Bảo tàng Đồng Tháp. Nhìn nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo với mái tóc bềnh bồng trắng, ánh mắt tinh anh bước đi thật chậm lên sân khấu hòa đàn cùng các con là nghệ sĩ Tiến Anh, Thu Anh, khán giả ai nấy đều xúc động. Tiếng đàn kìm, đàn gáo của vị nhạc sư đã 101 tuổi vẫn mềm mại, ngân vang như tinh thần tuệ mẫn của ông. Nhạc sư tâm sự, cuối đời ông không mong có một buổi hòa nhạc lớn cho riêng mình, cũng không mong tên tuổi được vinh danh, chỉ muốn lưu giữ những nét nhạc cổ truyền nguyên bản nhất cho thế hệ trẻ hơn và mong muốn nhà trưng bày sẽ là không gian đờn ca tài tử Nam bộ đúng nghĩa. Từ ngày trở lại Đồng Tháp, dù tuổi cao sức yếu nhưng mỗi khi địa phương mời tham dự các buổi tọa đàm, giao lưu về âm nhạc dân tộc, nhạc sư đều nhận lời và nhiệt thành chia sẻ.

Xúc động trước sự nhiệt thành của nhạc sư Vĩnh Bảo đối với nền âm nhạc dân tộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu nói: “Đối với người đam mê và yêu quý âm nhạc dân tộc như nhạc sư Vĩnh Bảo, những tư liệu đó là tâm huyết cả đời. Chúng tôi và thế hệ trẻ Đất Sen hồng rất cảm kích và trân trọng. Hy vọng rằng, với tài sản quý mà nhạc sự trao tặng, thế hệ trẻ Đồng Tháp sẽ nối tiếp đam mê của nhạc sư, tiếp tục phát triển, bảo tồn, bảo vệ nhạc truyền thống”.

Tri ân cống hiến của nhạc sư Vĩnh Bảo đối với âm nhạc truyền thống và nghệ thuật của nước nhà, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã vận động một số doanh nghiệp cùng đóng góp xây tặng nhạc sư ngôi nhà, tọa lạc tại số 134 Đinh Bộ Lĩnh, TP.Cao Lãnh. Và giờ đây, trong ngôi nhà mới, bên dòng kênh xanh, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo lại tiếp tục cống hiến cho âm nhạc nước nhà thông qua những buổi giao lưu, gặp gỡ các sinh viên, học sinh, các nghệ nhân đờn ca tài tử; hàng ngày lên facebook viết bài, trao đổi, chia sẻ với giới mộ điệu trong và ngoài nước và thả hồn theo giai điệu cổ truyền gắn với ông cả cuộc đời.


Dù đã hơn 100 tuổi nhưng tiếng đàn của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vẫn mượt mà

Nhắn gởi thế hệ trẻ, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo nói: “Thế hệ nhạc sĩ chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, giờ trao lại cho thế hệ trẻ hành trang cuộc sống và di sản âm nhạc dân tộc. Như ngày nào, chúng tôi đã tiếp nhận di sản âm nhạc từ tiền nhân, từ thế hệ cha ông. Tương lai âm nhạc dân tộc Việt Nam đang kỳ vọng và chờ đợi thế hệ trẻ trong thời đại mới lời hồi đáp. Mong rằng, các bạn trẻ tiếp tục kế thừa, phát triển âm nhạc dân tộc từ hành trang mà thế hệ nhạc sĩ chúng tôi trao lại với tất cả tình cảm yêu quý xuất phát từ tâm thức dân tộc, từ tâm huyết, từ lòng tự hào và hành động, hoạt động phong phú, hoàn chỉnh hơn dành cho âm nhạc truyền thống dân tộc mình. Nghệ thuật chung, trách nhiệm chung”.

Nguyễn Vĩnh Bảo, sinh năm 1918 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) trong một gia đình giỏi đàn ca, Nguyễn Vĩnh Bảo tiếp xúc với cây đàn đoản từ năm 5 tuổi. Đến năm 10 tuổi, Vĩnh Bảo đã đàn khá hay đàn đoản, đàn kìm và đàn gáo. Ông là nhạc sư, nhà nghiên cứu âm nhạc, giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống vừa là nhạc sĩ trình tấu, kiêm cả nghệ nhân đóng đàn. Ông là người cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành đàn tranh 17, 19 và 21 dây với kích thước và âm vực rộng hơn.

Ông đi diễn thuyết và trình tấu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới. Năm 1972, ông cùng giáo sư Trần Văn Khê diễn tấu ghi âm đĩa Nhạc tài tử Nam bộ cho hãng Ocora và UNESCO tại Paris (Pháp). Từ năm 1970-1972, Nguyễn Vĩnh Bảo là giáo sư đặc biệt thỉnh giảng về đàn tranh tại Đại học Illinois (Mỹ).

Ông nhận giải thưởng Đào Tấn của Việt Nam năm 2005. Năm 2006, ông là nhạc sư hiếm hoi của Việt Nam trong số 6 nhạc sư có tầm ảnh hưởng trên thế giới, được vinh danh tại hội thảo Dân tộc Nhạc học thế giới (Ethnomusicology) ở Honolulu (Mỹ). Năm 2008, nhạc sư Vĩnh Bảo được Chính phủ Pháp tặng Huy chương nghệ thuật và văn học (Ordre des Arts et des Lettres) cấp bậc Officier. Năm 2014, ông nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích trong việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Năm 2015, ông được trao tặng giải thưởng Phan Châu Trinh cho những đóng góp trong việc sưu tầm và truyền bá nhạc dân tộc.

Bích Liễu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn