Nâng cao kỹ năng nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian

Cập nhật ngày: 09/10/2013 04:38:31

Những ngày cuối tháng 9 này, 50 học viên là các cây bút chuyên và không chuyên có niềm đam mê văn hóa, văn nghệ dân gian (VNDG) đến từ nhiều cơ quan, ban, ngành trong tỉnh đã tham gia lớp Tập huấn công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, VNDG do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (VHNT) Đồng Tháp phối hợp với Hội VNDG Việt Nam tổ chức tại Đồng Tháp.

Dù chỉ diễn ra trong 3 ngày nhưng lớp tập huấn đã đáp ứng được nhu cầu bồi dưỡng, tạo điều kiện cho học viên nâng cao kỹ năng nghiên cứu, sưu tầm VNDG.

Mười năm trở lại đây, kể từ khi Phân hội VNDG - Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp được thành lập, hoạt động chuyên ngành VNDG đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của VHNT tỉnh nhà, tiêu biểu là hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, biên khảo,... về các phương diện văn hóa, VNDG khác nhau với nhiều công trình không chỉ có giá trị về mặt học thuật mà còn có giá trị về mặt gìn giữ, bảo tồn vốn quý của ông cha để lại như các công trình nghiên cứu, sưu tầm, biên khảo về ca dao Đồng Tháp Mười, dân ca Đồng Tháp, hò Đồng Tháp, văn hóa dân gian Đồng Tháp Mười,...

Theo nhạc sĩ Phạm Khiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh, bên cạnh những thành tựu đạt được, một số hoạt động nghiên cứu, sưu tầm về VNDG Đồng Tháp vẫn chưa được xúc tiến một cách bài bản, đồng bộ, hiệu quả như các phương diện kiến trúc dân gian, làng nghề truyền thống, ẩm thực truyền thống,... Các công trình nghiên cứu, sưu tầm về VNDG đã có nhưng còn mang tính đơn lẻ, chưa đặt trong một hệ thống với cách nhìn khái quát, tổng thể mang đậm bản sắc của một miền đất. Do đó, một trong những giải pháp giúp hoạt động của chuyên ngành mạnh và hiệu quả hơn đó là tổ chức lớp tập huấn về nghiên cứu, sưu tầm VNDG.

Lớp tập huấn do giáo sư tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam trực tiếp giảng dạy xoay quanh các nội dung về công tác điều tra, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể; các công đoạn xây dựng và thực hiện dự án tài trợ nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian. Nói về kết quả đạt được sau tập huấn, thạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Chi hội Trưởng Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Đồng Tháp - Phân hội Trưởng Phân Hội VNDG, Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp cho biết: "Học viên đã được rèn luyện nâng cao khả năng nghiên cứu, sưu tầm VNDG. Trước đây các tác giả có niềm say mê sưu tầm, nghiên cứu nhưng chưa được hướng dẫn rạch ròi. Sau tập huấn thấy học viên rất có khí thế, am hiểu nhiều về hoạt động mà mình đam mê".

Cũng theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, sau lớp học này, dự kiến tháng 11/2013 sẽ họp 2 bộ phận Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Đồng Tháp và Phân hội VNDG kêu gọi và gợi ý lực lượng hội viên tham gia viết đề tài trên lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu VNDG.

Qua tập huấn, trong quá trình nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, VNDG, học viên sẽ thu hoạch được những bài nghiên cứu, sưu tầm làm rõ bản sắc, nét đặc trưng riêng của các vùng đất trong tỉnh, qua đó giúp người đọc, người nghe nhận diện và lĩnh hội được cái riêng của văn hóa, VNDG Đồng Tháp, không bị nhập nhòa và pha lẫn vào những vùng miền khác.

H.Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn