Đoàn Văn công Ngũ Yến trong những ngày tập kết

Cập nhật ngày: 11/06/2014 05:19:08

Đoàn Văn công Ngũ Yến được thành lập vào khoảng giữa năm 1952. Ngũ Yến là bút hiệu của nhà báo Nguyễn Văn Nguyễn, lúc đó là Xứ ủy viên - Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh Nam bộ. Từ năm 1948 có lịnh cấm cải lương vì có sự ngộ nhận cải lương là bi lụy - ảnh hưởng tinh thần kháng chiến.

Có nơi, cả những nhạc cụ có thể đàn vọng cổ được cũng bị đập bỏ. Đến năm 1952, đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn đã thuyết phục và được sự đồng thuận của Xứ ủy Nam bộ, lịnh cấm những bài hát vọng cổ, cải lương được giải tỏa.

Đoàn Văn công Ngũ Yến do anh Bảy Toàn Nguyên Huyện đội trưởng Lai Vung đờn ghita làm trưởng đoàn. Ông Nguyễn Thanh Nha đang là Trưởng Ban Mỹ thuật của Phòng Chính trị - Bộ Tư lịnh Khu 8 từ miền Đông trở về tỉnh nhà Long Châu Sa làm Phó đoàn. Đoàn không có kinh phí mà phải tự lực hoàn toàn, đi diễn đến đâu thì cùng ở cùng ăn với nhân dân. Soạn giả Thanh Nha vừa là lãnh đạo, vừa sáng tác, vừa đờn kìm chính, lại kiêm cả diễn viên; anh Năm Bá đờn độc huyền cầm; anh Ba Bằng đờn cò và đờn tỳ bà.

Thỉnh thoảng có chú Năm Phàn (tức Sáu Chung) - khi ấy là Huyện đội trưởng Cao Lãnh - khi thì đem đàn tranh, khi thì violon đến tham gia dàn nhạc. Diễn viên có Hoàng Sa, Hoàng Ba, Tám Hoa (Tám Xứng), Kim Nhụy, Thanh Hạp, Ngọc Hùng... Ngay cả soạn giả Phi Vân (anh của soạn giả Phi Hùng - con rể soạn giả Trần Hữu Trang, hy sinh năm 1966 ở Xa Mát - Tây Ninh) cũng kiêm luôn vai trò diễn viên.

Nơi nào có dân ở, nơi đó có Đoàn Văn công Ngũ Yến phục vụ. Nội dung diễn của đoàn là một chương trình tổng hợp gồm ca múa, nhạc kịch và cải lương. Vở cải lương dài đầu tiên của đoàn là vở “Chung sức diệt thù” của soạn giả Thanh Nha. Có thể nói đây là một vở cải lương có đề tài binh vận đầu tiên của ta trong thời gian này. Anh Hòa trong Chung sức diệt thù đi lính cho Pháp, trong một trận càn vào vùng kháng chiến lọt vào ổ phục kích của ta và bị thương. Một em bé khoảng 13, 14 tuổi đã băng bó vết thương cho anh và đưa về nhà mình.

Về đây, Hòa mới nhận ra đó là con trai mình sau bảy năm lưu lạc. Hòa cũng biết mẹ mình bị Pháp giết trong một trận càn. Anh nhận ra được sai lầm của mình và đoái công chuộc tội. Thường khi, hàng đêm Đoàn Văn công diễn trước, sau đó là tới chiếu bóng. Đêm nào bà con cũng đến coi đông như hội. Có những mùa nước, diễn trên chuồng trâu, khán giả ngồi dưới xuồng xem. Tiếng vỗ tay lẫn tiếng dầm gõ vô be xuống khiến cho cả đoàn rất hứng khởi.

Năm 1953, soạn giả Thanh Nha cho ra đời vở cải lương dài thứ hai là “Thoát vòng đau khổ”. Đây cũng là một vở cải lương có đề tài binh vận. Nhân vật là một người lính đạo Hòa Hảo bị bọn Việt gian lợi dụng để đưa vào đội quân đánh thuê. Nhờ gia đình và bạn bè trong quân ngũ giác ngộ, anh cùng những người “lính đạo” khác đã làm nội công cho bộ đội ta diệt đồn, bản thân thoát vòng đau khổ.

Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, Cao Lãnh trở thành một điểm tập trung rất nhiều đơn vị chuẩn bị cho việc chuyển quân ra Bắc. Lúc này, Đoàn đóng ở Mỹ Ngãi và đang tập vở mới có tên là “Một bó đăng” của soạn giả Phi Vân để phục vụ quân dân Cao Lãnh trong những ngày tập kết. Nội dung của vở kể chuyện về một anh bộ đội bị thương, ở trong nhà dân. Nước ngập, anh mượn chủ nhà một bó đăng để kê nằm nhưng không được. Thế là hai người cãi cọ nhau.

Về đơn vị, anh được anh em phân tích đúng sai nên trở lại tìm người chủ nhà xin lỗi nhưng không gặp. Phần chủ nhà, sau đó thấy mình cũng không đúng nên tìm đến đơn vị anh bộ đội để xin lỗi thì mới biết tin anh vừa hy sinh trong một trận đánh vào đồn giặc. Vở cải lương không dài, nhân vật ít nhưng tình cảm quân dân đã gây xúc động trong lòng người xem.

Đoàn tập xong vở “Một bó đăng” bắt đầu đi diễn khắp nơi, nhưng nhiều nhất là sân vận động Cao Lãnh (nằm ở vị trí Công ty Dược phẩm Imexpharm hiện nay). “Bản doanh” của Đoàn đóng ở đình Trung nên mỗi đêm đi diễn về anh em rất vất vả nhưng cũng rất vui.

Những đơn vị tập kết lần lượt kéo về Cao Lãnh ngày càng đông. Từ Mỹ Tho, Đoàn Văn công Mạ Xanh Lúa Vàng do nhạc sĩ Phan Nguyên lên nhập vào Đoàn Văn công Ngũ Yến, từ miền Đông có nghệ sĩ Bích Lâm, Ngọc Thới, Nguyễn Nghiệm, Tám Củi, Ba Vân... xuống. Vậy là đoàn Ngũ Yến, đoàn Mạ Xanh Lúa Vàng và anh em nghệ sĩ ở miền Đông sát nhập thành Đoàn Văn công Ngũ Yến với các vở cải lương chủ lực là Một bó đăng, Trần Hưng Đạo bình Nguyên và Cánh tay Vương tá.

Chúng tôi kéo nhau đi diễn khắp nơi, xuống Doi Me rồi vô Mỹ Quý, Mỹ An. Có những đêm diễn tới màn tư thì trời mưa. Lúc đó là tháng tám, tháng chín nên trên trời dưới đất đâu đâu cũng lênh láng nước. Diễn viên lẫn khán giả ướt như chuột lột, vậy mà ai cũng chờ dứt hột để xem cho được màn chót mới chịu. Hát xong, về đến Cao Lãnh trời hừng sáng.

Trước tập kết non một tháng, Đoàn được lịnh chuyển về chia nhau ở trong nhà dân tại Xép Lá. Ban ngày nghỉ ngơi, tập tuồng. Đêm đi diễn phục vụ cho anh em bộ đội ta và bà con xung quanh. Cứ vậy mà thời gian 100 ngày trôi qua lúc nào không biết. Nhưng có một kỷ niệm mà anh em chúng tôi bây giờ không sao quên dù 60 năm trôi qua, nay kẻ còn người mất. Đó là chuyện đêm cuối cùng trước khi xuống tàu ra Bắc. Các chú như Sáu Chung, Thanh Nha, Tám Xứng, Bảy Toàn, chị Kim Nhụy, tôi và nhiều anh em nữa ngồi lại đờn ca với nhau sáng đêm để rồi sau đó thì cả đoàn hành quân ra Tịnh Thới để xuống tàu. Đêm chia tay đó sau này khi ra Bắc đã trở thành một kỷ niệm.

Năm 1956, biết tình hình không thể trở về Nam như lời hứa hai năm hôm nào, chú Thanh Nha mới viết bài ca Đêm trăng nhớ bạn. “Đêm thu vằng vặc ánh trăng vàng! Bâng khuâng tay nắn phím đàn, bỗng trầm mấy khúc nhặt khoan. Gió thu ơi! Hãy vượt núi băng ngàn. Mang tiếng đàn về tận bên ai mà lòng đây luôn tưởng nhớ!...”. Bài ca một phần chú Thanh Nha gởi tâm sự mình cho người vợ nhưng một phần cũng gởi về cho bạn bè ở lại miền Nam sao cái đêm đờn ca đáng nhớ đó.

Phải nói một điều rằng từ khi Đoàn Văn công Ngũ Yến thành lập cho đến khi đổi tên thành Đoàn Long Châu Sa thì lực lượng càng ngày càng lớn mạnh. Trên chiếc tàu đi tập kết ra Bắc có rất nhiều cô chú sau này đều thành danh như chú Thanh Nha, Bích Lâm, Phan Nguyên, Ngọc Thới, Bảy Toàn, Phi Vân. Đờn thì có chú Ba Bằng, Năm Bá, Út Dzu... Nhạc thì có Chín Minh, Thuần violon, Tiến kèn, Phạm Lý... Diễn viên thì có Triệu An, Ngọc Thạch, Hoàng Sa, Kim Ngụy, Văn Kiên...

Như vậy, tập kết ra Bắc về cải lương có bốn đoàn: Khu 9 có Đoàn văn công Cửu Long, Khu 8 có Đoàn Văn công Ngũ Yến và Mạ Xanh Lúa Vàng, Khu 7 có Đoàn Phân liên khu miền Đông. Tất cả nhập lại thành Đoàn Văn công Nam bộ. Sau đó chúng tôi phân chia ra thành các đoàn chuyên nghiệp. Lực lượng ca múa, nhạc kịch tập hợp thành đoàn. Cải lương thì một đoàn thuộc Tổng cục Chính trị. Một đoàn thuộc Bộ Văn hóa. Hầu hết anh em đoàn Ngũ Yến khi ra miền Bắc được phân về đoàn Cải lương của Bộ Văn hóa.

Hồi ký của ông Nguyễn Thanh Hạp
(Hữu Nhân ghi)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn