"Truyện Kiều" lần đầu lên lịch - Muôn nẻo khó khăn

Cập nhật ngày: 03/10/2016 12:40:41

Sáng 2-10, tại Đường sách TPHCM đã diễn ra lễ ra mắt Bộ lịch Truyện Kiều do NXB ĐH Sư phạm TPHCM liên kết cùng Công ty TNHH An Hảo thực hiện.

Bộ lịch được thiết kế dưới dạng lịch bloc có kích thước 25x25cm (dạng siêu cực đại) trên giấy chất lượng cao. Bộ lịch gồm 365 trang, chứa đựng toàn bộ 3.254 câu thơ lục bát của tác phẩm Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) do đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820) sáng tác.


Nhóm thực hiện bộ lịch (từ trái qua): Đại diện công ty An Hảo, Họa sĩ Hữu Hiếu, GĐ NXB ĐH Sư phạm Lê Thanh Hà, PGS.TS Đoàn Thị Thu Vân

Chăm chút nội dung

Việc đưa Truyện Kiều lên lịch được đánh giá là một việc làm sáng tạo nhưng cũng đầy táo bạo. Sáng tạo bởi từ trước đến nay tuy cũng có một số lần xuất hiện lịch có nội dung liên quan đến Truyện Kiều nhưng chỉ giới hạn ở việc trích dẫn vài câu trong tác phẩm.

Chưa có bộ lịch nào chuyển tải toàn bộ tác phẩm như Bộ lịch Truyện Kiều. Táo bạo do Truyện Kiều là một kiệt tác lớn, việc đưa lên một bộ lịch sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp từ nội dung, hình thức thể hiện cho đến việc đánh giá ý nghĩa của việc làm này.


Bộ lịch
 Truyện Kiều được thiết kế dưới dạng lịch bloc có kích thước 25x25cm (dạng siêu cực đại) trên giấy chất lượng cao

Là một tác phẩm có nhiều dị bản và đến nay vẫn chưa tìm thấy bản gốc nên việc lựa chọn sử dụng dị bản nào được xem là vấn đề đầu tiên để thực hiện bộ lịch. Theo TS Quách Thu Nguyệt, nguyên GĐ NXB Trẻ, phụ trách nội dung cho tác phẩm thì nhóm nội dung đã quyết định sử dụng bản Từ điển Truyện Kiều của cụ Đào Duy Anh (bản in lần thứ hai có sửa chữa bổ sung do NXB Khoa học Xã hội xuất bản năm 1993). Việc lựa chọn văn bản này do PGS.TS Vũ Thanh, Phó Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam hỗ trợ thực hiện.

Tiếp theo, Truyện Kiều là một tác phẩm thống nhất, việc đưa lên lịch đòi hỏi sự phân chia tác phẩm gốc thành 354 phần khác nhau. Để giữ được tính trọn vẹn, các đoạn thơ được ngắn theo ý của từng đoạn, tránh ngắn đứt quãng nên ở mỗi tờ lịch, số lượng câu thơ sẽ không giống nhau.

Khâu biên tập của bộ lịch do PGS.TS Đoàn Thị Thu Vân, nguyên Trưởng khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm đảm trách. Yêu cầu đầu tiên là phải đảm bảo tính chính xác, do đó bên cạnh việc sử dụng bản của cụ Đào Duy Anh, cô Thu Vân còn hiệu chỉnh một số chi tiết theo các nghiên cứu mới nhất, đặc biệt là các kết luận từ Hội thảo về Đại thi hào Nguyễn Duy vào năm 2015 nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh của ông.

Ví dụ như ở câu: “Cò kè bớt một thêm hai/Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm” thì theo những phát hiện mới dựa trên các ấn bản tiếng Nôm thì Nguyễn Du không dùng chữ “vàng” mà dùng chữ “vâng”. Hai chữ này trong tiếng quốc ngữ dễ nhầm lẫn nhưng trong tiếng Nôm lại viết hoàn toàn khác nhau. Nhóm thực hiện đã chọn dùng chữ “vâng”. 

Ngoài ra, do là ấn bản in lịch vốn có sự giới hạn về diện tích trình bày, TS Thu Vân đã lược bỏ bớt các chú thích, chú giải, điển cố quen thuộc để tờ lịch không trở nên rối rắm, nặng nề. Những câu Hán - Việt không chú thích đều là những câu quen thuộc, hầu như người Việt đều biết như “Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường”, không cần phải chú giải “Gót sen” là gì nữa.

Khó khăn về hình minh họa

Nếu phần nội dung ít gây tranh luận do sử dụng ấn bản được đánh giá cao từ lâu thì phần minh họa lại là phần được đánh giá là dễ gây dư luận nhất.
 
Phần minh họa gồm 354 bức tranh do họa sĩ Hữu Hiếu cùng các cộng sự thực hiện trong gần 2 năm. Mỗi bức tranh in trên 1 tờ lịch và minh họa cho đoạn thơ được dẫn trên tờ lịch đó.


Phần minh họa của Bộ lịch
 Truyện Kiều gồm 354 bức tranh do họa sĩ Hữu Hiếu cùng các cộng sự thực hiện trong gần 2 năm

Theo họa sĩ Hữu Hiếu, việc vẽ không khó khăn nhưng để chọn được ý tưởng vẽ lại rất phức tạp, nhiều bức vẽ người họa sĩ phải trao đổi với người làm nội dung để tìm ý nhấn nhất nhằm minh họa. Họa sĩ Hiếu cho biết có những đoạn thơ nhiều ý rất hay nhưng không thể vẽ ra hết chỉ trên 1 tờ lịch nên họa sĩ đã phải trao đổi, lựa chọn rất nhiều trước khi thực hiện. Phần vẽ tranh minh họa cho tác phẩm mất hơn 20 tháng mới hoàn thành.
 
Tuy nhiên, nhiều vấn đề được đặt ra. Ví dụ như trang phục của các nhân vật. Truyện Kiều của Nguyễn Du viết ra dựa trên cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Như vậy nhân vật sẽ mặc trang phục nào? Trang phục Trung Quốc hay trang phục Việt Nam?

Theo nhóm thực hiện, tuy dựa trên cốt truyện của tác giả Trung Quốc nhưng Nguyễn Du đã đưa vào đó tâm hồn dân tộc Việt Nam, từng câu thơ, từng tầng ý nghĩa, từng hình tượng… đều thấm đẫm tâm hồn dân tộc Việt Nam. Do đó, nhóm thực hiện đã quyết định chọn hình ảnh trang phục Việt Nam làm chủ đạo để đảm bảo những giá trị tinh thần của tác giả và tác phẩm.

Phần hình ảnh này cũng bám sát cốt truyện như khi ở nhà, Kiều ăn mặc giản dị vì gia đình chỉ “thường thường bậc trung”, khi vào lầu xanh, trang phục bắt buộc phải rực rỡ, hào nhoáng hơn, còn khi trở thành vợ của Từ Hải, trang phục đài các, trang nghiêm hơn. Trang phục cho nam đơn giản hơn khi giới hạn khăn đóng, áo dài, khi trang trọng có thêm khắn xếp, đai… ngoài ra còn có thêm các trang phục quân sự.
 
Một câu hỏi được đặt ra về hình ảnh cây đàn do Thúy Kiều biểu diễn cho Kim Trọng. Có ý kiến cho rằng đó là đàn tỳ bà và nhiều họa sĩ đã thể hiện như vậy. Theo họa sĩ Hiếu thì việc thể hiện đàn tỳ bà là nhằm đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ vì đàn tỳ bà nhìn hợp với dáng người nàng Kiều. Tuy nhiên, nếu đúng theo tác phẩm thì đó phải là đàn Nguyệt như với câu thơ: “Hiên sau treo sẵn cầm trăng / Vội vàng Sinh đã tay nâng ngang mày”"cầm trăng" đây chính là đàn Nguyệt (Nguyệt cầm). Thậm chí, nhóm làm lịch đã tham khảo công trình nghiên cứu của GS Trần Văn Khuê về loại nhạc cụ này trong đó có chứng minh loại nhạc cụ này nguyên thủy có 4 dây, sau này cải biên thành 2 dây. Điều này phù hợp với một chi tiết được miêu tả trong Truyện Kiều: “So dần dây vũ, dây văn/ Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương”.
 
Những chi tiết nêu trên cho thấy sự nghiêm túc trong việc thực hiện bộ lịch của những người thực hiện. Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS Thu Vân thì Truyện Kiều là một tác phẩm lớn và phức tạp về mặt văn bản học nên khó tránh khỏi những sai sót, rất mong sự góp ý của các học giả.
 
Ý nghĩa của việc đưa Truyện Kiều lên lịch
 
Theo ông Lê Thanh Hà, Giám đốc NXB ĐH Sư phạm, Truyện Kiều rất quen thuộc với người dân Việt Nam, được đưa vào giảng dạy từ lâu trong chương trình phổ thông. Thế nhưng, đa phần người Việt Nam lại chỉ tiếp xúc với tác phẩm này dưới dạng trích đoạn, trích dẫn mà ít được tiếp xúc với trọn vẹn tác phẩm. Việc kết hợp với lịch được xem là một hình thức mới và hấp dẫn do lịch hiện nay không còn thuần túy là một phương tiện chỉ thời gian mà còn là một công cụ trang trí, được quan tâm, chú ý mỗi ngày.

Ông Hà cho biết thêm, nếu bản sách in bán nhiều chỉ chừng chục ngàn bản thì với lịch, số lượng lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn bản. Với việc đưa Truyện Kiều lên lịch, người Việt có thể hàng ngày tiếp cận những câu thơ hay, những ý thơ phù hợp với cá nhân để từ đó thưởng thức một kiệt tác của dân tộc.
 
TS Quách Thu Nguyệt mong ước không chỉ bộ lịch Truyện Kiều mà về sau này, những tác phẩm văn hóa khác, thông qua nhiều con đường khác nhau như với trường hợp lịch bloc để đến với nhiều người đọc hơn, góp phần nâng cao dân trí, nâng cao cảm thụ mỹ học của người dân cả nước.

Theo Tường Vy/SGGPO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn