Thư viện Đồng Tháp góp phần bảo lưu và phát triển văn học nghệ thuật

Cập nhật ngày: 29/09/2016 08:28:18

ĐTO - Thư viện tỉnh Đồng Tháp là một thiết chế văn hóa, được Đảng và Nhà nước giao chức năng, nhiệm vụ giữ gìn di sản thư tịch của dân tộc, thu thập, tổ chức khai thác và sử dụng vốn tài liệu, phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, trong đó việc bảo lưu và phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) là yêu cầu thường xuyên và được chú trọng.


Thiếu nhi tham gia thi vẽ tranh tại Thư viện Đồng Tháp

Công trình xây mới Thư viện tỉnh được khởi công năm 2010 và hoàn thành đưa vào hoạt động đầu năm 2015, đây là một trong những điều kiện cần thiết để đảm bảo cho công tác bảo lưu và phát triển VHNT. Thông qua các chương trình khuyến đọc, khuyến học sâu sắc của thư viện, đã khơi dậy niềm đam mê đọc sách, hình thành thói quen tự học, tự nâng cao kiến thức, rèn luyện đạo đức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu nhi. Tại thư viện, các tài liệu VHNT ghi dấu sự phát triển về tư duy, tình cảm, ước vọng của con người, những tác phẩm ca ngợi truyền thống đấu tranh của dân tộc, những bài hát, điệu hò quê hương... được giữ gìn và truyền tải theo dòng thời gian đến với người dân ngày một sâu sắc.

Đơn vị đã sưu tập, bảo lưu hơn 180.000 đơn vị tài liệu dạng giấy, trong đó có hơn 40.000 tài liệu VHNT, hơn 1.000 tài liệu VHNT của địa phương, trên 500.000 trang tài liệu dạng số hóa và thu thập từ tài liệu điện tử, phản ánh phong phú về mọi mặt đời sống xã hội giúp cho người đọc sử dụng cho việc giảng dạy, nghiên cứu, học tập, giải trí... Thư viện tổ chức sử dụng 8 phòng phục vụ với hơn 500 chỗ ngồi. Để thuận tiện cho người đọc nghiên cứu trao đổi, đơn vị tổ chức riêng kho tài liệu VHNT và xây dựng bộ máy tra cứu khai thác và phát triển VHNT gồm: bộ máy tra cứu trực tuyến qua websites Thư viện tỉnh, các tờ rơi, bảng thông tin tuyên truyền, triển lãm, xếp sách nghệ thuật... Các hoạt động truyền thông quảng bá, phổ biến phát triển VHNT đến bạn đọc luôn đổi mới, sáng tạo qua hàng năm như: chương trình nghệ thuật tuyên truyền – giới thiệu sách, thi đọc sách (viết cảm nhận, sáng tác truyện tranh), kể chuyện sách, vẽ tranh theo sách, giới thiệu sách qua Đài Phát thanh và Truyền hình, mô hình thư viện lưu động phục vụ thanh thiếu nhi và mô hình “Chuyến xe tri thức” phục vụ đọc sách, thực hành các hướng dẫn từ sách cho các xã biên giới, xã nông thôn mới, vùng sâu và các trại giam...

Toàn hệ thống, trung bình hàng năm phục vụ trên 1.600.000 lượt tài liệu; năm 2015, Thư viện tỉnh đã cấp mới 4.000 thẻ thư viện, phục vụ 600.000 lượt bạn đọc/1.200.000 lượt tài liệu, nâng tỉ lệ đọc sách trong toàn tỉnh từ 0,6 bản sách/ người/năm 2010 lên 0,9 bản sách/đầu người/năm 2015. Mỗi năm, thư viện tổ chức từ 20 - 30 lần hoạt động tại cơ sở, mang sách và hoạt động đọc sách đến với các trường học, xã nông thôn mới, xã vùng sâu, những nơi có điều kiện khó khăn,... mỗi lần thu hút khoảng 200 - 500 người tham gia; tổ chức các hoạt động thư viện phục vụ các sự kiện chính trị, hoạt động văn hóa – xã hội của tỉnh.

Thư viện Đồng Tháp thời gian qua đã tranh thủ tối đa việc ủng hộ của các đơn vị và nhân dân trên địa bàn. Tiêu biểu nhất là Chương trình “Chuyến xe tri thức” được lãnh đạo tỉnh, các đơn vị bạn đánh giá cao, đã huy động được trên 10 đơn vị và 200 người tình nguyện viên tham gia phục vụ tại 29 xã biên giới, nông thôn mới, xã vùng sâu, với hơn 27.000 lượt người dự. Chương trình này được nhân rộng phục vụ tại Kiên Giang, Bến Tre, Long An, Sóc Trăng và Cà Mau.

Tuy nhiên, công tác bảo lưu và phổ biến, phát triển VHNT của thư viện còn một số hạn chế như: công tác sưu tập còn ít so với nhu cầu, nhất là tài liệu của địa phương; công tác phối hợp phổ biến giao lưu tác phẩm, tác giả chưa nhiều... Để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao về bảo lưu và phát triển VHNT, xây dựng một xã hội ham đọc, đáp ứng với thời đại thông tin, nền kinh tế tri thức, Thư viện tỉnh Đồng Tháp sẽ phấn đấu phát triển đồng loạt nhiều lĩnh vực; cán bộ thư viện luôn học tập, nghiên cứu, nhân rộng và phát triển các mô hình hiệu quả, đẩy mạnh công tác phối kết hợp; duy trì, tổ chức hoạt động thư viện vừa truyền thống vừa hiện đại để thư viện thực sự trở thành nơi học tập thường xuyên, suốt đời của người dân...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn