Lai Vung

Xây dựng nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với tiềm năng của địa phương

Cập nhật ngày: 16/10/2015 13:02:40

Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện Lai Vung chỉ đạt 15/26 chỉ tiêu nghị quyết đề ra, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của huyện không đạt. Nhiệm kỳ tới, Đảng bộ huyện nỗ lực hơn trong việc tập trung phát triển kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương.


Cây quýt là thế mạnh trong phát triển kinh tế của huyện Lai Vung

Kết thúc giai đoạn 2010 - 2015, sản xuất nông nghiệp của huyện tiếp tục phát triển. Địa phương hình thành và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả. Nổi bật là sản lượng lúa hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu; giá trị cây ăn trái có múi như: quýt hồng, quýt đường, cam xoàn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện. Huyện đã cụ thể hóa Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh bằng kế hoạch thực hiện với những nhiệm vụ, giải pháp sát với đặc điểm và tình hình thực tế ở địa phương. Song song đó, huyện xây dựng Đề án “Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao” ở các xã Long Hậu, Tân Phước và 5 xã ven sông Hậu (Phong Hòa, Định Hòa, Tân Hòa, Vĩnh Thới, Tân Thành) với 4 loại cây chủ lực gồm: quýt hồng, quýt đường, cam xoàn, nhãn; hình thành vùng chuyên canh màu ở xã Tân Hòa, Định Hòa, Phong Hòa và sản xuất lúa gắn với tiêu thụ ở xã Hòa Long, Long Thắng; phát triển hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ đối với các mặt hàng nông sản; củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể.

Theo Đảng ủy xã Hòa Long, trong nhiệm kỳ tới, địa phương tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân thay đổi nhận thức trong sản xuất như: chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật...; triển khai thực hiện Đề án cánh đồng lúa chất lượng cao đi vào chiều sâu, bền vững; tổ chức hình thức liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn xã theo kế hoạch của UBND huyện về thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Thực hiện kế hoạch gia cố hệ thống thủy lợi đê bao kết hợp với giao thông nông thôn, phục vụ sản xuất và đi lại của nhân dân; xây dựng Đề án thực hiện xen canh hoa màu trên đất lúa ở một số tiểu vùng thích hợp.

Theo Huyện ủy Lai Vung, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ tác động tích cực, khai thác mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế của địa phương về vườn cây ăn trái có múi, hoa màu để phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu. Nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức thực hiện kế hoạch liên kết chuỗi giá trị cây ăn trái có múi, vùng màu chuyên canh và lúa chất lượng cao theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, gắn với củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động đối với các hợp tác xã, tổ hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt khoảng 58 triệu đồng/người.

Về phát triển du lịch, huyện Lai Vung có nhiều công trình lịch sử văn hóa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa như: di tích lịch sử cấp Quốc gia chùa Bửu Quang (xã Long Thắng), di tích cấp tỉnh đình Tân Dương và bức Phù điêu (xã Tân Dương), Tượng đài lưu niệm Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cần Thơ (xã Phong Hòa). Đây là những điểm di tích có giá trị lịch sử, giáo dục thế hệ trẻ và tạo điểm đến phục vụ phát triển du lịch của huyện. Hướng tới, huyện tổ chức thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó, huyện phối hợp với các sở, ngành, tỉnh lập Đề án phát triển du lịch trên địa bàn đến năm 2020. Khai thác, phát huy các làng nghề truyền thống, các giá trị văn hóa, vườn cây ăn trái đặc sản để phát triển các dịch vụ du lịch miệt vườn. Huyện lập dự án kêu gọi đầu tư phần đất bãi bồi Cồn Tiên (xã Phong Hòa) và đất công ở xã Định Hòa để xây dựng thành khu du lịch với hình thức liên kết và quy mô đồng bộ.

Dương Út (Tổng hợp)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn