Câu chuyện bồi dưỡng
Cập nhật ngày: 07/05/2018 22:16:24
Định tổ chức gặp mặt các anh em làm công tác bồi dưỡng chính trị cấp huyện lâu lắm rồi mà chưa có dịp, cho đến hôm rồi mới có thời gian quay quần bên nhau. Thật vui, thật ấm áp. Nghe nhiều điều, suy ngẫm nhiều điều và cũng chia sẻ với nhau bao điều. Trước tiên là, cảm ơn những người mang sứ mạng bồi dưỡng lý tưởng, cung cấp kiến thức, kỹ năng, rồi đến các bước tiếp cận lý luận chính trị đầu tiên cho nhiều lớp cán bộ cơ sở, từ lúc bắt đầu tìm hiểu về Đảng cho đến giữ nhiệm vụ này, vị trí kia trong hệ thống chính trị cấp cơ sở.
Thì đó, muốn được vinh dự tham gia vào hàng ngũ của Đảng thì phải học lớp tìm hiểu về Đảng, rồi khi vừa được tuyên thệ dưới cờ Đảng lại được tiếp tục bồi dưỡng những bài lý luận vỡ lòng, rồi sơ cấp. Sau đó, một khi trở thành cán bộ, công chức cấp cơ sở, khóm ấp, xã phường thị trấn hay Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội lại tiếp tục hàng năm được bồi dưỡng các chuyên đề. Sự học là suốt đời mà, là vô cùng mà! Hôm nay là cán bộ cấp thấp, thì mai này sẽ trở thành cán bộ cấp cao hơn, nhưng cấp nào cũng cần phải có nền tảng kiến thức mới biết mà làm việc, mà cống hiến.
Nhưng có nhiều điều nặng lòng qua trần tình của lãnh đạo các Trung tâm. Không ít cán bộ công chức, phần cứng phần mềm, đi học mà hình như động cơ không rõ ràng, thậm chí là học qua loa, học để trả nợ tổ chức,... Bao nhiêu phần trăm rơi vào trường hợp như vậy thì khó mà định lượng cho thật rõ ràng, thậm chí chỉ ra đích danh nhóm đối tượng này. Lại có một số báo cáo viên kiêm chức chưa chuẩn bị thật tốt, thật sâu, thật sinh động các chuyên đề. Người báo cáo mà không chuẩn bị nghiêm túc, không hứng khởi thì chắc là bài thuyết trình sẽ khô cứng, thiếu sức hấp dẫn người học. Vậy, coi chừng lỗi đến cả từ hai phía, người đi bồi dưỡng và người được bồi dưỡng đó!
Hiện nay, cả nước đang đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo phù hợp với yêu cầu mới nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Giáo dục, đào tạo không còn là cung cấp kiến thức một chiều, mà là sự tương tác, trong đó, lấy người học là trung tâm. Dạy và học không chỉ là "trên đọc, dưới chép", "trên đồ, dưới đồ lại". Dạy và học phải là sự gợi mở ra những câu hỏi, những vấn đề, rồi cùng nhau thảo luận tìm câu trả lời phù hợp nhất. Giáo dục, đào tạo phải chú trọng sự trải nghiệm thực tiễn cho người học, lấy thực tiễn để minh hoạ, làm cho lý thuyết tưởng chừng như khô cứng nhất sao cho thật sự sinh động, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ biến thành hành động.
Những bài học về Đảng nếu do các đồng chí lão thành từng tham gia vào các sự kiện thời kháng chiến của địa phương góp phần chuyển tải chắc chắn là sẽ sinh động và thu hút hơn. Khi ấy, lý tưởng của Đảng sẽ hoá thân vào những con người gần gũi hơn, qua các sự kiện cụ thể hơn. Nơi nào trên xứ sở mình mà không có những sự kiện lịch sử và những chứng nhân lịch sử: Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung, Xẻo Quýt, Tràm Dơi, Bắc Dầu - Quán Tre, Đài tưởng niệm trận đánh 37 tàu, Long Hưng, Vòng cung chữ V,... Những câu chuyện lịch sử đảng bộ cấp huyện được kể lại từ những chứng nhân lịch sử sẽ thu hút nhiều hơn lý luận xơ cứng hay những sự kiện quá xa xôi. Chắc chắn rằng các đồng chí cán bộ lão thành sẽ rất sẵn lòng làm cầu nối giữa quá khứ và hiện tại từ những miền ký ức một thời gian lao mà anh dũng của cả dân tộc bước theo lá cờ của Đảng.
Có lãnh đạo Trung tâm lại than về áp lực mở lớp cho các đoàn thể đến nổi có tình trạng cũng cán bộ ấy mà năm nào cũng thấy đi học, thậm chí trong một năm đi học nhiều lần. Không biết đó có phải là chỉ tiêu thi đua không nữa đây? Nhưng vấn đề là, lần học nào thì cũng bài vở đó, cũng tôn chỉ, cương lĩnh, điều lệ đó, cũng cơ cấu tổ chức, cách thức tập hợp đó... Thôi thì, phải chấp nhận sống với "căn bệnh" mang tính hệ thống. Nhưng nếu xem mỗi lớp như vậy còn là dịp để cập nhật những thông tin mới của địa phương mình, như: tái cơ cấu nông nghiệp, du lịch cộng đồng, đi lao động ở nước ngoài, kiến thức khởi nghiệp,... thì có thể vấn đề sẽ khác rồi. Khi ấy người học sẽ có thêm nhiều điều bổ ích cho công việc tuyên truyền, vận động trong đoàn viên, hội viên, hay mang lại giá trị cho chính cuộc sống gia đình của mình.
Ai đó đã tổng kết rằng: "Đời sẽ thay đổi khi chúng ta thay đổi!". Khẩu hiệu hành động của tỉnh mình mấy năm trước là "Thay đổi nhỏ - Kết quả lớn" kia mà! Thay đổi được hay không, có cần hay không!?! Ban Thường vụ cấp uỷ cần nhanh chóng trả lời để mở đường cho sự thay đổi, nhất là sau khi thực hiện chủ trương hợp nhất chức danh Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
Xích Lô