Câu chuyện thứ 40
Cập nhật ngày: 28/03/2018 10:44:09
Vậy là, thấm thoát mà đã có Hội quán thứ 40 ra đời trên mảnh đất Sen Hồng mình rồi! Đó là “Doanh Tâm Hội quán” ở phường 2, thành phố Cao Lãnh. Điều đặc biệt của Hội quán này là thành viên hổng phải là những người nông dân “tay lấm chân bùn” như các hội quán trước, mà là những doanh nhân, tiểu thương, tiểu chủ. Suy cho cùng thì điều đó đâu có gì là không đúng đâu?!? Bản chất Hội quán vẫn là không gian tập hợp những người có cùng ước mơ, hoài bão, cùng một khát vọng làm điều gì đó cho tốt đẹp hơn. Ai mà không có ước mơ, hoài bão, khát vọng? Điều đó đúng với những người nông dân và cả đối với doanh nhân!
Nói đến doanh nhân thì người ta thường liên tưởng tới hình ảnh những người “bóng bẩy”: ở nhà lầu, đi xe hơi, dùng toàn là hàng hiệu đắt tiền. Nói đến doanh nhân là nhiều người nghĩ ngay đến hình ảnh “ăn trên, ngồi trước”, với tiệc tùng mâm cao cỗ đầy, rồi so sánh với người nghèo, với những bữa mâm cơm thiếu thịt thiếu cá, với những căn nhà tạm bợ. Nghe thật thương cảm, thật xót xa. Nói đến doanh nhân thì không ít người nghĩ đến nào là “móc ngoặc”, nào là “lợi dụng kẻ hở của pháp luật”, nào là “buôn gian, bán lận”... Một thời có những người như vậy, và hiện nay cũng có những trường hợp là vậy.
Nhưng nay thì cái nhìn đã đổi khác rồi! Từ hình ảnh “gian thương” đến hình ảnh “thương nhân”, “doanh nhân” là một hành trình thay đổi tư duy của xã hội đối với đội ngũ những người góp phần tạo ra của cải cho quê hương, đất nước. Đã có một Ngày Doanh nhân 13/10 bên cạnh ngày phụ nữ, thanh niên, nông dân, ngày của thầy giáo, thầy thuốc... Đã có nhiều diễn đàn tôn vinh doanh nhân về những thành quả kinh doanh, về hội nhập quốc tế, về chấp hành chính sách, pháp luật, về sự đổi mới sáng tạo, về những nghĩa cử cao đẹp với cộng đồng... Vậy mà, những con người xứng đáng được tôn vinh ấy hôm nay lại cùng ngồi trong một mái nhà chung là Hội quán này đây. Ngẫm tới, ngẫm lui thấy niềm vui dâng trào…
Đã là doanh nhân, những người sản xuất, kinh doanh, sao không tránh khỏi có lúc cạnh tranh lẫn nhau, lợi ích xung đột lẫn nhau. Đã là mua mua, bán bán sao không tránh khỏi có lúc tìm kiếm cái lợi nhuận nhiều nhất về cho mình, mà quên đi lợi ích của cộng đồng xã hội. Thì đó, có một ông “tạm gọi” là doanh nhân Khải Silk gì đó một thời đình đám, vừa rồi bị phát hiện gian lận, “treo đầu dê, bán thịt chó”. Ổng lấy hàng trôi nổi gắn cái mác “Made in Việt Nam” vô. Vậy là “gian thương” rồi! Vậy là, làm mất hình ảnh doanh nhân Việt mình rồi! Thế mới thấy có một số người vì cái lợi trước mắt mà đánh đổi cả cuộc đời, danh dự, đạo đức của người doanh nhân rồi!
Xứ mình nói gì thì nói, vẫn chưa “sánh vai” được với năm châu bốn biển! Một trong những lý do đó là phải chăng người mình thiếu văn hoá hợp tác với nhau? Mạnh ai nấy làm, “đèn nhà ai nấy rạng”, người này cạnh tranh với người kia theo kiểu “tôi thắng thì anh phải thua”. Vậy là, triệt tiêu lẫn nhau, trong khi đó, triết lý kinh doanh của thiên hạ thấm đẫm tinh thần “buôn có bạn, bán có phường”. Và, họ đã thành công, họ giàu có, đất nước họ cường thịnh bằng triết lý đơn giản vậy thôi. Nhớ câu “Trăm năm trong cõi người ta/Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Vậy, mỗi người trong chúng ta, dù là cán bộ, công chức, viên chức, là nông dân hay là doanh nhân, sao có thể không “đau đớn lòng” khi đất nước mình còn chưa phát triển, người dân mình còn nghèo khó?!? Hay, chúng ta coi đó là chuyện của người khác còn mình thì vô can, mình chỉ biết lo cho riêng mình? Có người nói một câu nghe thật thấm: “Lời nói của kẻ xấu không đáng sợ bằng sự im lặng của người tốt”. Chắc chắn rằng, các thành viên “Doanh Tâm Hội quán” mình đều là người tốt cả rồi! Vậy thì, mình tiếp tục “im lặng” hay “hành động” đây?
Mình tiếp tục ngồi đó mà “dòm ngó và chỉ trích”, tiếp tục than phiền, hay cùng nhau, mỗi người mỗi việc, để làm cho đường phố của mình, tổ dân phố của mình ngày càng đẹp hơn, xanh hơn, sạch hơn, thành phố của mình là đáng sống hơn? Hay mình tiếp tục giao phó cho chính quyền? Mình là người chủ của con đường trước mặt, của khu phố quanh nhà mà. Xanh hay không, sạch hay không, đẹp hay không cũng có phần trách nhiệm của mình chứ! Mình làm sao trở thành người chủ sản xuất, kinh doanh đầy tính nhân văn, sống với mọi người hết sức văn hóa? Câu thơ Vân Tiên còn vang mãi “Nhớ câu kiến ngãi bất vi/Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”. Việc nghĩa, việc đời còn ngổn ngang, cần mỗi người chung tay hành động thay vì ngồi khoanh tay, dòm ngó và chỉ trích!
Vậy đó, Hội quán mình phải chăng vừa làm sao giúp mỗi doanh nhân có thêm thật nhiều kiến thức để cùng nhau làm giàu, vừa là nơi để mọi người bàn bạc với nhau làm sao để cộng đồng mình sống ngày càng tốt đẹp hơn. Hội quán mình phải chăng là nơi để mỗi doanh nhân “thắp lên một que diêm” thay vì “ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối”.
“Tối” hay “sáng” đều phụ thuộc vào mỗi chúng ta thôi mà! Vậy, chúng ta “hành động” hay “nguyền rủa”?
Xích Lô