Siết chặt quản lý khai thác cát trái phép, bảo vệ tài nguyên khoáng sản

Cập nhật ngày: 08/03/2025 05:11:43

http://baodongthap.com.vn/database/video/20250308051226dt2-3.mp3

 

ĐTO - Những tháng đầu năm 2025, tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông ở tỉnh Đồng Tháp tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ sông, đe dọa đời sống người dân. Trước thực trạng này, các ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý nhằm bảo vệ tài nguyên khoáng sản, ổn định đời sống người dân.


Một vụ khai thác cát trái phép bị lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh Đồng Tháp) bắt quả tang tại xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình

THỦ ĐOẠN TINH VI, KHÓ PHÁT HIỆN

 Theo thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh Đồng Tháp), trong năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 7 vụ/14 đối tượng vi phạm khai thác cát trái phép. Trong đó, đã khởi tố xử lý hình sự 1 vụ, xử phạt hành chính 6 vụ với tổng số tiền gần 600 triệu đồng, cùng với hình thức phạt bổ sung 251 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2025, tình trạng vi phạm có dấu hiệu gia tăng với 5 vụ vi phạm, liên quan đến 17 đối tượng.

Cụ thể, khoảng 22 giờ đêm 1/2/2025, trên tuyến sông Tiền thuộc ấp Nam, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường kiểm tra, phát hiện 1 sà lan mang biển kiểm soát VL-1820 (trọng tải 499 tấn, công suất 290CV) đang bơm cát dưới đáy ao lên phương tiện. Trên sà lan có 3 người  gồm: Trương Văn Vũ (SN 1993, ngụ xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), Phạm Minh Nhựt (ngụ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) và Nguyễn Văn Dương (SN 1995, ngụ xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang). Tại hiện trường, lực lượng chức năng lập biên bản tịch thu 150m³ cát vừa được bơm lên sà lan.

 Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép thường lựa chọn khu vực đoạn sông vắng người, ít bị giám sát và sử dụng phương tiện có công suất lớn, bố trí người canh gác từ xa để đối phó với lực lượng chức năng. Một số trường hợp còn thuê phương tiện và người làm công, không đứng tên chủ phương tiện nhằm né tránh trách nhiệm.

Đáng chú ý, tại huyện Thanh Bình, tình trạng khai thác cát trái phép đang có chiều hướng phức tạp. Một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng việc thuê diện tích bãi bồi ven sông để đào ao nuôi cá, nhưng thực chất là nạo vét cát dưới đáy ao đem bán. Ông Võ Tấn Phong - Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh, cho biết: “Khi nhận được tin báo của người dân về việc một số cá nhân sử dụng các phương tiện nạo vét đáy ao nhằm mục đích khai thác cát, UBND xã đã phân công cán bộ, Ban nhân dân ấp và lực lượng Công an xã thường xuyên kiểm tra giám sát, đồng thời báo cáo Tổ kiểm tra liên ngành huyện đến xác minh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, các đối tượng thường hoạt động vào ban đêm hoặc ngày nghỉ, thời điểm lực lượng chức năng khó kiểm tra, giám sát và tiếp cận phương tiện vi phạm”.

Ông Lưu Ngọc Ngon (SN 1960, ngụ ấp Nam, xã Tân Bình) bức xúc, nói: “Sợ sạt lở, tôi thường báo chính quyền khi nghe tiếng máy nổ khai thác cát ban đêm. Nhưng tình trạng này vẫn chưa chấm dứt”. Không riêng ông Ngon, nhiều hộ dân sinh sống dọc bờ sông ở các xã: Tân Thạnh, Tân Hòa, Tân Bình cũng chung nỗi lo sạt lở, mất đất canh tác do tình trạng khai thác cát lén lút kéo dài. Hành vi vi phạm chủ yếu diễn ra vào ban đêm, từ khoảng 22 giờ đến gần sáng.


Lợi dụng đêm khuya, các đối tượng sử dụng phương tiện trọng tải lớn, hiện đại để khai thác cát

TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, SIẾT CHẶT QUẢN LÝ

Theo nhận định của cơ quan chức năng, nguyên nhân khiến tình trạng khai thác cát trái phép gia tăng là do nhu cầu cát phục vụ xây dựng và san lấp mặt bằng ngày càng cao, trong khi nguồn cung hợp pháp lại chưa đáp ứng đủ. Lợi nhuận từ hoạt động này quá lớn, có thể lên đến hàng chục triệu đồng mỗi đêm, khiến các đối tượng bất chấp pháp luật. Bên cạnh đó, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi như sử dụng phương tiện không chính chủ, mua bán giấy tay, sang tên nhiều lần nhằm gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn mỏng, trong khi địa bàn sông nước rộng lớn, việc tuần tra, kiểm soát gặp nhiều hạn chế.

 Trước thực trạng trên, các ngành chức năng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, kế hoạch phối hợp nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến sông trọng điểm được tăng cường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thượng tá Phan Văn Phương - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến sông trọng điểm, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm bảo vệ tài nguyên khoáng sản của địa phương”.

Đối với xã Tân Thạnh, UBND xã tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, nhằm nâng cao sự đồng thuận của người dân, phát huy tinh thần tố giác tội phạm và những hành vi khai thác cát trái phép. Đồng thời thường xuyên phối hợp với Tổ kiểm tra liên ngành và các ngành có liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định trong hoạt động khai thác, tập kết kinh doanh cát, sỏi lòng sông đối với các tổ chức, doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, UBND xã phân công cán bộ, Ban Nhân dân ấp và lực lượng Công an xã thường xuyên giám sát các bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn.

 Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, rất cần sự chung tay của người dân trong việc tố giác tội phạm và bảo vệ môi trường. Khai thác cát trái phép không chỉ gây thất thoát tài nguyên, mà còn để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng như sạt lở đất, biến đổi dòng chảy, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân ven sông.

Việc phòng, chống khai thác cát trái phép không chỉ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên mà còn góp phần ổn định đời sống người dân, đảm bảo an toàn đê điều, hệ sinh thái và hướng tới sự phát triển bền vững của địa phương.

SÔNG NGÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn