Lừa đảo chiếm đoạt tài sản - thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Cập nhật ngày: 26/06/2015 10:47:38

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức chơi hụi không còn xa lạ với người dân, từ thành thị cho đến nông thôn. Thế nhưng, tình trạng này vẫn cứ tái diễn và thiệt hại do đối tượng gây ra ngày càng nghiêm trọng hơn. Hậu quả của những vụ vỡ hụi không chỉ mất tài sản mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, thậm chí bà con thân thích trong gia đình cũng trở nên bất hòa.

Điển hình là vụ vỡ hụi xảy ra tại khóm 2, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười. Tin tưởng vào chủ hụi là Hồ Duy Nam (SN 1978) để rồi 23 hụi viên là những người quen biết và bà con bên vợ của đối tượng phải dở khóc, dở cười khi phát hiện ra đối tượng Nam đã lừa đảo chiếm đoạt trên 1,8 tỷ đồng.


Đối tượng Hồ Duy Nam

Hầu hết những người bị hại vì tin tưởng vào chủ hụi nên khi tham gia đều không đòi hỏi giấy tờ cam kết, sổ hụi theo dõi. Thậm chí có những hụi viên tham gia chơi hụi nhưng không ai biết mặt nhau. Chỉ biết chủ hụi nói bao nhiêu người, bao nhiêu phần thì đóng tiền tham gia, còn trong những lần khui hụi định kỳ nhiều hụi viên cũng không có mặt. Do thấy lợi nhuận cao nên một số người đi vay tiền ngân hàng đem về chơi hụi.

Sau khi tiếp nhận đơn tố giác của những người bị hại, ngày 13/5/2015, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh đã thi hành lệnh bắt và khám xét nơi ở Hồ Duy Nam. Theo kết quả điều tra, tháng 8/2011 Hồ Duy Nam đứng ra làm chủ hụi, đến năm 2012 đối tượng lợi dụng lòng tin của hụi viên để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách lập ra nhiều dây hụi rồi ghi khống số người chơi để hốt hụi. Với 33 dây hụi gồm hụi ngày, hụi tuần, hụi tháng, Nam đã làm giả các giấy tờ hốt hụi rồi chiếm đoạt tài sản.

Cũng với hình thức lừa đảo, nhưng thủ đoạn của Nguyễn Văn Đường Em ngụ thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh là ăn mặc lịch sự, phô trương thân thế, giả vờ quen biết với lãnh đạo và các ban, ngành của tỉnh và hứa hẹn sẽ lo được việc làm, giải quyết được thủ tục hành chính cho những ai có nhu cầu.


Đối tượng Nguyễn Văn Đường Em

Tin tưởng lời nói của đối tượng, một số người dân ở huyện Tam Nông và Tháp Mười đã nhiều lần đưa tiền để đối tượng đứng ra xin việc tại các công ty như: Domesco, Imexpham, ngành công an hay nhờ đối tượng xin cho nhận tiền đền bù đất đai hoặc mua nền nhà tái định cư, nhưng thực chất thì đối tượng không lo cho ai mà chỉ lấy tiền để tiêu xài, rồi báo với bị hại việc này lo chưa xong hoặc là từ từ cho nên bị hại tin tưởng và chờ đợi.

Theo kết quả điều tra của cơ quan Công an, đối tượng Nguyễn Văn Đường Em (SN 1968) ngụ thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh từng bị tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt 6 năm tù giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi ra tù, đối tượng không ăn năn, hối cải mà tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt gần 1,6 tỷ đồng và 6 chỉ vàng 24 kara của 18 người bị hại.

Bà Lương Thị Lượm ngụ xã Phú Cường, huyện Tam Nông cho biết, tin tưởng Đường Em sẽ lo để bà nhận được tiền đền bù 6ha đất tràm nằm trong Vườn Quốc gia Tràm Chim nên bà không ngần ngại vay nóng tiền bên ngoài đưa cho đối tượng. Nhưng sau nhiều lần hứa hẹn, đối tượng đã nhận trên 42 triệu đồng mà việc vẫn chưa xong, bà Lượm sinh nghi nên trình báo Công an huyện Tam Nông.

Người thiệt hại nhiều nhất trong vụ án này là gia đình ông Nguyễn Hoàng Dũng ngụ xã Phú Cường, huyện Tam Nông. Qua 21 lần đưa tiền, tổng cộng gần 462 triệu đồng mà đối tượng vẫn chưa xin được việc cho con ông, sau khi trình báo đến Công an, ông Dũng đã bán hết 1 mẫu đất ruộng để trả tiền vay nóng bên ngoài, nhưng vẫn không đủ.

Qua 2 vụ án, những người bị hại đều có chung 1 suy nghĩ đó là đặt lòng tin mà không kiểm chứng, nên đã dẫn đến thiệt hại đáng kể và để lại bài học sâu sắc cho bản thân mình đó là đừng vì nhẹ dạ, cả tin mà trở thành nạn nhân của những tên tội phạm chuyên lừa đảo.

Đoàn Diểu

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn