Phát hiện nhiều sai phạm tại Trường Trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên Tháp Mười

Cập nhật ngày: 19/01/2018 10:59:44

ĐTO - Nhiều vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm trong công tác quản lý, sử dụng quyết toán kinh phí đào tạo nghề nông thôn, đào tạo nghề theo địa chỉ tại Trường Trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên Tháp Mười (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp) đang được Công an tỉnh tiến hành điều tra làm rõ để xử lý theo quy định.


Xảy ra nhiều sai phạm tại Trường Trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên Tháp Mười

Thông qua công tác thanh tra cho thấy, Trường Trung nghề - Giáo dục thường xuyên Tháp Mười (gọi tắt là Trường) có ký hợp đồng với ông Trần Hồng Tâm và Nguyễn Anh Tuấn là giáo viên (GV) Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp để dạy lý thuyết các lớp nghề chế biến và bảo quản thủy sản tại Công ty TNHH Phát Tiến và Công ty Cổ phần Thương mại Á Châu.

Do cần thêm GV đứng lớp để quyết toán cho phù hợp nên Trường có chủ trương giao cho ông Nguyễn Phước Khánh - Phó trưởng Phòng Đào tạo liên hệ với ông Tâm và ông Tuấn cung cấp thông tin của 7 GV khác để lập hợp đồng khống dạy lý thuyết các lớp nghề chế biến và bảo quản thủy sản tại 2 công ty nói trên. Tuy nhiên, trên thực tế 7 GV đều không ký kết bất cứ hợp đồng giảng dạy nào với Trường.

Việc lập hợp đồng và thanh lý hợp đồng giảng dạy lý thuyết đối với 7 GV được thực hiện giữa Trường (ông Nguyễn Minh Tuấn - Hiệu trưởng; ông Lê Minh Châu - nguyên Phó Hiệu trưởng; ông Nguyễn Phước Khánh - Phó trưởng Phòng Đào tạo) với ông Tâm và Tuấn đứng ra ký thanh lý hợp đồng để thực hiện quyết toán khống của 7 GV với tổng số tiền gần 190 triệu đồng từ nguồn kinh phí đào tạo nghề theo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

Cũng qua thanh tra phát hiện, Trung tâm Giáo dục thường xuên và Kỹ thuật hướng nghiệp tỉnh ký hợp đồng với Trường thực hiện lớp đào tạo công nhân xây dựng (sơ cấp) với 35 học viên (HV). Kết thúc khóa học, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Kỹ thuật hướng nghiệp tỉnh đã thanh toán cho Trường số tiền gần 35 triệu đồng. Song, Trường lấy danh sách 35 HV lớp này để tiếp tục lập hồ sơ, ký hợp đồng với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh quyết toán kinh phí đào tạo nghề nông thôn năm 2015 theo hình thức tách ra làm 2 lớp đào tạo và quyết toán tổng số tiền trên 60 triệu đồng.

Tương tự, năm 2015, Trường có ký hợp đồng theo đơn đặt hàng của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (thuộc Sở Công Thương) tổ chức đào tạo 2 lớp cắt gọt kim loại trên máy CNC. Tổng giá trị hợp đồng 2 lớp là 80 triệu đồng. Về nguyên liệu thực hành của 2 lớp cắt gọt kim loại trên máy CNC thực tế Trường không mua cho HV thực hành nhưng khi làm hồ sơ, chứng từ để quyết toán với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh gần 16 triệu đồng.

Liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính, năm 2016, Trường cho ông Phan Văn Hồng - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch nợ tạm ứng kéo dài hàng chục triệu đồng. Trường thu tiền góp vốn của Công ty Cổ phần Thương mại Á Châu, không hạch toán thu - chi mà khấu trừ mua nguyên liệu số tiền trên 70 triệu đồng là sai quy định Luật kế toán năm 2003; không mua vật tư để thực hành các lớp trung cấp nghề nhưng Trường làm hồ sơ quyết toán khống số tiền trên 87 triệu đồng...

Các vi phạm trong công tác quyết toán kinh phí đào tạo nghề nông thôn, đào tạo nghề theo địa chỉ và liên kết đào tạo... từ năm 2014 - 2017 với tổng số trên 610 triệu đồng dù Trường đã khắc phục xong. Tuy nhiên, nhiều vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm xảy ra tại Trường đang được Công an tỉnh tiến hành điều tra làm rõ để xử lý theo quy định.

DŨNG CHINH

Gửi bình luận của bạn