Công tác Lao động - Thương binh và Xã hội đạt nhiều chuyển biến tích cực

Cập nhật ngày: 18/01/2018 08:27:33

ĐTO - Ngày 17/1, tại Hà Nội,  Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác lao động - người có công và xã hội năm 2018 tại 63 điểm cầu trên toàn quốc.

Đến dự và chỉ đạo hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tại điểm cầu Đồng Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Tấn Bửu cùng các cán bộ lãnh đạo trong lĩnh vực  lao động - người có công và xã hội tỉnh tham dự.


Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Tháp

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, các lĩnh vực do ngành phụ trách có nhiều chuyển biến tích cực so với năm 2016, cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Trong đó, lần đầu tiên đưa trên 130 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung vào thị trường có thu nhập cao (Đài Loan gần 70 nghìn người, Nhật Bản trên 54 nghìn người, Hàn Quốc trên 5 nghìn người,...).

An sinh xã hội được bảo đảm, giảm nghèo đi vào thực chất với các hoạt động thiết thực. Cụ thể, đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 1,35% so với cuối năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm khoảng 5%.

Năm 2017, năm “Đền ơn, đáp nghĩa”, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành đã tổ chức nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa thiết thực, trọng thể kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sĩ; thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công với cách mạng với cách làm sáng tạo, linh hoạt, dân chủ, công khai, minh bạch, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Tại Đồng Tháp, công tác LĐ-TB&XH cũng đạt nhiều kết quả khích lệ. Nổi bật, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,03% vượt chỉ tiêu (chỉ tiêu 1,5%). Thu nhập bình quân hộ nghèo tăng 1,14% so với đầu giai đoạn 2016 - 2020 (thu nhập bình quân hộ nghèo cuối năm 2015 là 711.795 đồng, cuối năm 2017 là 810.000 đồng).

Tuy nhiên, công tác LĐ-TB&XH các địa phương trong cả nước cũng còn hạn chế như: đổi mới giáo dục nghề nghiệp còn chậm, chưa thực sự gắn với nhu cầu của xã hội; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; công tác tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp của các trường gặp nhiều khó khăn; nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn lúng túng trong việc chuyển đổi chương trình đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của cán bộ, nhân viên ngành LĐ-TB&XH từ trung ương đến địa phương, đồng thời nhấn mạnh:

Thời gian tới ngành cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp lệnh, khẩn trương xây dựng đề án cải cách tiền lương, đề án chính sách bảo hiểm xã hội trình Hội nghị trung ương lần 7; rà soát đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để đề xuất sửa đổi, bổ sung luật ban hành thay thế chính sách mới phù hợp với tình hình mới; nâng cao chất lượng đào tạo nghề; tăng cường thanh kiểm tra;...

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn