Xây dựng TP.Cao Lãnh là nơi khởi nghiệp của doanh nghiệp, Sa Đéc trở thành đô thị mang bản sắc hoa

Cập nhật ngày: 10/01/2017 05:51:14

ĐTO - Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX đã ban hành 2 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội TP.Cao Lãnh và TP.Sa Đéc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.


Ưu tiên mở rộng chợ Trung tâm Cao Lãnh

Đối với TP.Cao Lãnh, mục tiêu là xây dựng thành phố xứng tầm là Trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, trở thành thành phố xanh, từng bước hiện đại, đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2020 và đô thị loại I vào năm 2030; là trung tâm nghiên cứu, phát triển và sáng tạo; là nơi khởi nghiệp của doanh nghiệp; kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; phát triển các loại hình dịch vụ đa dạng, chất lượng cao; phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, xây dựng nếp sống văn minh, con người thân thiện, bảo đảm vai trò là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn tỉnh.

Để phát triển kinh tế, TP.Cao Lãnh xây dựng các cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn đầu tư trong và ngoài nước phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng du lịch, hạ tầng thương mại, ưu tiên mở rộng chợ Trung tâm Cao Lãnh; đẩy mạnh công tác xã hội hóa lĩnh vực y tế, giáo dục; thực hiện đồng bộ các giải pháp để thành phố trở thành trung tâm dịch vụ, kết nối du lịch trong tỉnh.

Về phát triển văn hóa – xã hội, tạo lập môi trường thuận lợi thu hút có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển giáo dục – đào tạo, y tế, khoa học – công nghệ; phát triển các trung tâm nghiên cứu, sáng tạo, khu chức năng đô thị giáo dục – đào tạo; xây dựng thành phố là nơi khởi nghiệp. Thành phố tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính để nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền phục vụ, có tính năng động, sâu sát yêu cầu thực tiễn, phục vụ tốt nhất yêu cầu của tổ chức, công dân.

Đối với TP.Sa Đéc, mục đích xây dựng nơi đây trở thành thành phố văn minh, hiện đại, sáng tạo, kết nối với TP.Cao Lãnh và các huyện, thị xã khác trong tỉnh; là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp đô thị công nghệ cao, trong đó chú trọng phát triển du lịch gắn với phát triển đô thị và ứng phó có hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu.

Đến năm 2020, xây dựng TP.Sa Đéc là đô thị mang bản sắc hoa, đạt đô thị loại II và là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch phía Nam sông Tiền; tạo vòng cung kết nối kinh tế ven sông Tiền giữa TP.Sa Đéc với các huyện: Cao Lãnh, Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành. Đến năm 2030, phấn đấu Sa Đéc trở thành đô thị loại I, trung tâm triển lãm và Hội nghị khu vực đồng bằng sông Cửu Long với khả năng kết nối các thành phố trong khu vực và là Trung tâm sáng tạo hỗ trợ cho nông nghiệp – thực phẩm, thủy sản, hoa kiểng; hương dược liệu – nước hoa.

Về phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng du lịch đặc trưng, gắn với thúc đẩy khởi nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, mời gọi đầu tư siêu thị, khu trung tâm thương mại – tài chính và trung tâm triển lãm, hội nghị trong không gian hoa kiểng và thực vật Mekong, phát triển những ngành công nghiệp mới, có trình độ công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Xây dựng con người Sa Đéc có nếp sống văn minh của đô thị du lịch, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ứng xử lịch sự, hiền hòa, thân thiện, tích cực tham gia giữ gìn môi trường.

T.T

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn