Sức hút từ món ngon hủ tiếu Sa Đéc

Cập nhật ngày: 10/01/2017 05:47:57

ĐTO - Nhờ sử dụng nguyên liệu đặc biệt từ làng bột trăm tuổi Tân Phú Đông nên mùi vị của món hủ tiếu Sa Đéc vô cùng độc đáo. Không những gây “nghiện” cho thực khách trong nước, hủ tiếu Sa Đéc còn làm cho nhiều thực khách nước ngoài xuýt xoa khen ngợi.


Nước súp trong veo, vị ngọt đậm đà kết hợp tinh tế vớn bánh hủ tiếu màu trắng sữa tạo nên một hương vị đậm đà, cuốn hút

Nguyên liệu đặc biệt từ làng bột trăm tuổi

Khác với hủ tiếu Nam Vang hay nhiều loại bánh hủ tiếu ở những vùng miền khác, hủ tiếu Sa Đéc được chế biến theo công thức truyền thống hơn trăm năm qua của người dân làng bột Tân Phú Đông. Hủ tiếu Sa Đéc không sử dụng phụ gia hay hóa chất nhưng bánh hủ tiếu vẫn dai ngon và thơm lừng.

Để tìm hiểu về cách làm bánh hủ tiếu của người dân Sa Đéc, chúng tôi đến một số lò sản xuất hủ tiếu có tiếng ở địa phương. Trong cái nắng chan hòa của những ngày cuối năm, những vỉ hủ tiếu được phơi trên các khung giàn nối tiếp nhau tạo nên một không gian thoáng đãng, thu hút, bởi bạt ngàn vỉ hủ tiếu được xếp liền kề nhau.

Chia sẻ về nghề làm hủ tiếu gia truyền của gia đình, chị Trần Thị Kim Ửng - chủ lò hủ tiếu Kim Ửng ở TP.Sa Đéc cho biết: “Hủ tiếu Sa Đéc được chế biến từ bột gạo ngang (bột gạo nguyên chất không qua lắng lọc) nên sợi hủ tiếu giữ trọn được hương vị đậm đà từ hạt gạo. Một trong những điểm hấp dẫn của bánh hủ tiếu Sa Đéc là có độ mềm và dai vừa phải, thực khách không bị ngán. Để tạo được độ dai và mềm đặc trưng thì khâu pha bột, tráng bánh và phơi nắng phải tuân thủ theo quy trình và làm đúng với bí quyết truyền thống từ xưa đến giờ”.

Với công thức bí truyền được kế thừa qua nhiều thế hệ cùng loại bột gạo đặc biệt được sản xuất từ làng bột Tân Phú Đông mà bánh hủ tiếu Sa Đéc tạo được sự cuốn hút riêng.

Hủ tiếu Sa Đéc - sự hòa quyện tinh tế của nhiều phong cách ẩm thực

Khi tới Sa Đéc, dù thưởng thức một tô hủ tiếu có giá 6 ngàn đồng hoặc 25 ngàn đồng thì thực khách đều cảm nhận được hương vị rất đặc biệt của món ngon nơi đây.


Nước tương đậu nành sản xuất tại chùa Phước Huệ, TP.Sa Đéc

Với thời giá hiện tại, khi cầm 6 ngàn đồng trong tay, chắc chắn nhiều người nghĩ rằng, sẽ rất khó để có được một bữa điểm tâm sáng tươm tất. Nhưng ở quán hủ tiếu Bà Sẩm, đường Trần Hưng Đạo, phường 1, TP.Sa Đéc thì bạn hoàn toàn được sở hữu một bữa sáng ngon lành. Hủ tiếu Bà Sẩm là một trong những quán hủ tiếu bình dân nổi tiếng và lâu đời nhất nhì tại TP.Sa Đéc. Với phương châm bán hàng “vừa ngon vừa rẻ”, hơn nửa thế kỷ qua, quán hủ tiếu Bà Sẩm đã gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ người dân Sa Đéc. Dù đi đâu, miễn về Sa Đéc người ta lại tìm đến quán hủ tiếu của Bà Sẩm. Để thưởng thức một tô hủ tiếu Sa Đéc chính hiệu ở đây, thực khách chỉ cần chi 6 ngàn đồng cho tô hủ tiếu thường và 10 ngàn đồng cho tô hủ tiếu đặc biệt.

Bà Hồ Thị Hương ( 70 tuổi), ngụ xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc nói: “Mấy chục năm qua, món điểm tâm sáng ưa thích của tôi luôn là món hủ tiếu và đặc biệt hấp dẫn hơn hết là hủ tiếu Bà Sẩm. Hủ tiếu bà Sẩm vừa ngon lại vừa phù hợp với túi tiền của người dân lao động nghèo. Có những hôm quán rất đông, tôi vẫn kiên nhẫn ngồi chờ để thưởng thức tô hủ tiếu nóng hổi, bởi đơn giản ăn riết rồi thành “nghiện”, đã “nghiện” thì phải kiên nhẫn ngồi chờ thôi”.

Mặc dù tô hủ tiếu tại quán bà Sẩm có giá khá mềm, song vẫn rất chất lượng. Một trong những điểm hấp dẫn thực khách chính là nước súp. Nhiều thực khách nhận xét, hủ tiếu ở quán Bà Sẩm ấn tượng nhất là vị nước súp và sợi hủ tiếu.


Món hủ tiếu khô

Chia sẻ về phương châm buôn bán của mình, bà Tăng Kiến Hưng, truyền nhân đời thứ hai của bà Sẩm (Bà Quan Muội, người sáng lập thương hiệu hủ tiếu Bà Sẩm) cho biết: “Với phương châm lấy công làm lời, gia đình tôi mong muốn món hủ tiếu của quán đến được với tất cả thành phần người tiêu dùng. Và mấy chục năm nay, quán luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo thực khách”.

Người dân Sa Đéc có nhiều cách thưởng thức khác nhau, nhưng có thể nói hủ tiếu khô ăn với nước sốt và nước súp được hầm từ xương ống thì mới đúng “gu”.

Theo một số tiệm kinh doanh hủ tiếu lâu đời tại TP.Sa Đéc, món hủ tiếu khô bắt nguồn từ phong cách ẩm thực của một số người Việt từng sống tại Campuchia về định cư tại Sa Đéc. Dần dần theo thời gian, món hủ tiếu khô được người dân Sa Đéc học hỏi và chế biến theo phong cách của cư dân bản địa. Ngày nay, ngoài món hủ tiếu nước thì hủ tiếu khô cũng là món ăn khoái khẩu được rất nhiều thực khách ưa chuộng. Để thưởng thức món hủ tiếu khô đặc biệt này, thực khách có thể ghé qua quán hủ tiếu Phú Thành, đường Trần Hưng Đạo, phường 2, hay quán hủ tiếu Cô Liên, đường Trần Phú, phường 1.

Gần đây khi du lịch ở TP.Sa Đéc phát triển, lượng khách quốc tế đến với thành phố Sa Đéc cũng nhiều hơn và một trong những món ăn được các khách Tây xuýt xoa khen ngợi vẫn là món hủ tiếu. Với phong cách phục vụ lịch sự, món ăn có vị ngon rất riêng nên món hủ tiếu quen thuộc ở quán Hủ tiếu Mỹ Ngọc ở đường Hùng Vương, phường 2 cũng là một trong những địa điểm được nhiều khách Tây lui tới.

Bà Nguyễn Thị Nương, chủ quán hủ tiếu Mỹ Ngọc cho biết, với công thức nấu truyền thống của gia đình học hỏi từ Nam Vang (Campuchia) kết hợp hòa quyện với đặc sản hủ tiếu của Sa Đéc, quán hủ tiếu Mỹ Ngọc mang đến cho thực khách một phong cách thưởng thức mới, vừa lạ vừa quen nhưng không kém phần hấp dẫn. Không những khách ở trong nước mà nhiều khách Tây cũng rất ấn tượng khi được thưởng thức hủ tiếu tại đây.

Dù mỗi quán hủ tiếu có cách chế biến khác nhau nhưng tất cả đều tạo nên một hương vị hủ tiếu Sa Đéc độc đáo, hấp dẫn, cuốn hút thực khách xa gần. Nếu đến thăm Sa Đéc mà chưa thưởng thức món ngon hủ tiếu ở đây thì thật uổng phí một chuyến đi.

Một trong những điểm mấu chốt để làm nên hương vị hủ tiếu Sa Đéc nổi tiếng làm nao lòng biết bao thực khách chính là loại “nước tương chùa” dùng kèm với hủ tiếu Sa Đéc. Nếu thiếu loại gia vị này, tô hủ tiếu Sa Đéc sẽ mất đi sự tinh túy và đậm đà vốn có. Dù là thưởng thức hủ tiếu khô hay là hủ tiếu nước, người dân Sa Đéc đều thường ăn kèm “nước tương chùa”, chính sự cộng hưởng thú vị này đã làm nên món hủ tiếu Sa Đéc có một không hai. “Nước tương chùa” là cách gọi quen thuộc của người dân Sa Đéc dùng để chỉ loại nước tương được chùa Phước Huệ, TP.Sa Đéc sản xuất theo phương thức thủ công, hoàn toàn bằng nguyên liệu đậu nành được ủ nấu theo cách làm truyền thống.

Minh Nhật

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn