Từng bước tạo niềm tin với người tiêu dùng

Cập nhật ngày: 20/08/2014 05:10:54

Nhạy bén, linh hoạt chủ động phối hợp với các ngành, địa phương và các đơn vị ngoài tỉnh trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (NVNƯTDHVN), những năm qua, Sở Công Thương đã góp phần mang lại hiệu quả tích cực trong thực hiện chương trình này.


Siêu thị Vinatex có đến 90% lượng hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất

Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa, mục đích của Cuộc vận động “NVNƯTDHVN”, ngay từ những ngày đầu thực hiện chương trình, Sở Công Thương chủ động phối hợp với các ngành, địa phương và các đơn vị ngoài tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp tuyên truyền cho người dân. Nội dung tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tiêu dùng hàng Việt Nam chất lượng cao; ý thức tự bảo vệ mình khi mua sắm hàng hóa, dịch vụ... Qua công tác tuyên truyền, vận động NVNƯTDHVN, hàng Việt Nam ngày càng chiếm tỷ lệ cao tại các siêu thị trong tỉnh. Tại siêu thị Vinafoodmart, lượng hàng Việt chiếm khoảng 80%, Vinatex khoảng 90%.

Tổ chức được 35 phiên chợ hàng Việt về nông thôn và hàng Việt về Khu công nghiệp ở khắp nơi trong tỉnh là thành quả nổi bật mà Sở Công Thương phối hợp thực hiện trong 5 năm qua. Chương trình do Sở Công Thương phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Kinh doanh và hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) và một số đơn vị liên quan thực hiện. Hoạt động này đã giúp các doanh nghiệp có điều kiện giới thiệu, quảng bá những sản phẩm nông sản đặc trưng của mỗi tỉnh. Chương trình cũng giúp người tiêu dùng có dịp tiếp cận với những sản phẩm hàng hóa mới, phong phú, đa dạng của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất với chất lượng tốt, giá cả hợp lý.

Cũng từ chương trình hàng Việt về nông thôn, các doanh nghiệp nhận ra thị trường nội địa nói chung và thị trường nông thôn nói riêng là một thị trường đầy tiềm năng mà trước đây họ thờ ơ. Tiếp cận thị trường này, doanh nghiệp có điều kiện quảng bá nhãn hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, đánh giá chất lượng sản phẩm do mình sản xuất, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với đối tác. Qua đó, doanh nghiệp nhìn lại để nhận ra thế mạnh và hạn chế của mình, từ đó, nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng của người dân nông thôn để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt.

Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Cuộc vận động “NVNƯTDHVN” giai đoạn 2009 - 2014, ông Phan Kim Sa - Phó giám đốc Sở Công Thương phát biểu: “Mục tiêu xuyên suốt, lâu dài mà Sở Công Thương xác định trong việc thực hiện cuộc vận động, trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh là thiết lập các kênh phân phối như: hình thành các đại lý bán lẻ phục vụ tốt nhu cầu người tiêu dùng, kết nối các doanh nghiệp với thị trường tiêu thụ...”.

Để tháo gỡ khó khăn cho đầu ra các mặt hàng nông sản của tỉnh, Sở Công Thương chủ động kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong tỉnh với các siêu thị, trung tâm thương mại tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh miền Trung, miền Bắc, các tham tán thương mại của Việt Nam ở nước ngoài, doanh nghiệp xuất khẩu... để tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác tiêu thụ. Đến nay, một số sản phẩm nông sản đã qua chế biến và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã vào được hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại. Ngoài ra, một số sản phẩm được liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ tương đối ổn định.

Từ nhiều hoạt động thiết thực, Sở Công Thương góp phần tạo điều kiện để các doanh nghiệp kết nối với các tiểu thương trong chợ, hộ kinh doanh ở vùng nông thôn hình thành các đại lý, kênh phân phối nhằm đưa sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng; tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận thường xuyên với hàng Việt Nam chất lượng cao; từng bước chuyển đổi phương thức kinh doanh truyền thống sang phương thức kinh doanh hiện đại, hạn chế được các chi phí trung gian, giảm giá thành sản phẩm hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng.

Nhiệm vụ quan trọng khác là Sở Công Thương tổ chức thực hiện tốt các giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường. Qua đó, góp phần bình ổn giá cả thị trường, hạn chế được tình trạng khan hiếm hàng hóa giả tạo, tình trạng đầu cơ tích trữ, lũng đoạn thị trường; hạn chế hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo đảm sức khỏe và sinh hoạt cho người tiêu dùng; tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích phát triển sản xuất. Ông Phan Kim Sa cho rằng: “Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, việc ưu tiên dùng hàng Việt là hành động “ích nước, lợi nhà”, thể hiện trách nhiệm và lòng yêu nước của mỗi công dân...”.

T.Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn