Tập trung kêu gọi đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp, thương mại

Cập nhật ngày: 24/10/2020 05:50:00

(Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đồng Tháp)

* PV: Xin ông cho biết khái quát một số điểm nổi bật của ngành công thương nhiệm kỳ qua?


Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp

- Ông Nguyễn Hữu Dũng (N.H.D.): Hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tương đối ổn định và phát triển tốt, luôn duy trì được mức tăng trưởng khá qua các năm, trong đó ngành công nghiệp chế biến thủy sản, chế biến lương thực và thức ăn chăn nuôi đóng góp chính vào tăng trưởng của toàn ngành, góp phần vào tăng trưởng GRDP chung của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân 7,06%/năm. Trong năm 2019 cùng với việc đưa vào hoạt động Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Cao Lãnh, chuỗi cửa hàng tiện ích Vinmart+, Bách Hóa Xanh đã tạo nên một diện mạo mới cho hoạt động thương mại của tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ bình quân giai đoạn 2016 – 2020 tăng 10,51%/năm.

Song song đó, các doanh nghiệp (DN) của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, nhất là hàng nông sản như: trái xoài xuất khẩu vào thị trường Mỹ; thanh long, mãng cầu xiêm sấy dẻo và trà mãng cầu xiêm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nhìn chung, các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh đều có mức tăng trưởng khá tốt và hiện nay hàng hóa của tỉnh đã có mặt trên 150 quốc gia; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân giai đoạn 2016 – 2020 tăng 8,75%/năm.

* PV: Những lĩnh vực phát triển mang tính đột phá thời gian qua?

- Ông N.H.D.: Đó là hoạt động kết nối giao thương, đưa các sản phẩm của Đồng Tháp vào các trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống bán lẻ (Sài Gòn Co.op, Big C, Vincommece, MM Mega Market, Lotte, Aeon, Vinmart, hệ thống cửa hàng tiện ích Bách Hóa Xanh...), sàn giao dịch điện tử (Tiki). Qua đó, khắc phục dần điểm nghẽn kết nối cung, cầu trong thời gian qua, tạo niềm tin trong Nhân dân về phát triển sản phẩm và khởi nghiệp. Năm 2018, xuất khẩu của tỉnh đạt 1,2 tỷ USD được xem là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển trong lĩnh vực xuất khẩu. Cùng với sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng DN, ngành công thương cũng luôn đồng hành cùng DN, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN ổn định sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.

Năm 2019, Đồng Tháp có hơn 70 sản phẩm của 30 DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh được công nhận và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 - 4 sao. OCOP tại Đồng Tháp được lồng ghép trong nhiều chương trình như: khởi nghiệp, làng thông minh và du lịch. Đây được xem là khởi đầu tạo nên một giá trị mới cho sản phẩm của Đồng Tháp.

Mặt dù công tác đầu tư phát triển hạ tầng tiến độ còn chậm, nhưng giai đoạn 2016-2020, ngành công thương đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, hình thành và phát triển mới 1 trung tâm thương mại và 3 siêu thị. Đặc biệt là sự phát triển của hệ thống chuỗi các cửa hàng tiện lợi: 47 của hàng Bách Hóa Xanh, 14 cửa hàng Vinmart và nhiều siêu thị chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Ngành tham mưu UBND tỉnh thành lập mới 1 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp; phối hợp ngành điện có kế hoạch cho đầu tư phát triển lưới điện nhằm xóa điện kế dùng chung, hiệu quả mang lại từ việc triển khai Đề án an toàn điện tỉnh Đồng Tháp, góp phần hoàn thiện các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.

* PV: Ông nhận định những nhân tố có nhiều triển vọng cho những năm tới?

- Ông N.H.D.: Sự hình thành và phát triển của hệ thống hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm tạo quỹ đất sạch, cùng với các chính sách ưu đãi của địa phương tạo điều kiện để đẩy mạnh thu hút đầu tư. Sự phát triển của hệ thống hạ tầng thương mại, hình thành các kênh phân phối truyền thống và hiện đại là đòn bẩy cho sự phát triển thương mại nội địa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là các hiệp định song phương, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) và một số đối tác khác sẽ mở ra những thuận lợi, cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu nhiều mặt hàng của tỉnh (da giày, dệt may, thủy sản chế biến, gạo) tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.


Chế biến thức ăn chăn nuôi, 
một trong những lĩnh vực chủ lực trong công nghiệp của tỉnh

* PV: Những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành công thương tập trung quyết liệt để góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh?

- Ông N.H.D.: Trong giai đoạn tới, quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, việc triển khai có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân sẽ là động lực để các DN tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tăng thêm tiềm lực cho nền kinh tế của tỉnh. Do đó, ngành công thương tỉnh sẽ tập trung quán triệt và triển khai sâu rộng chương trình hội nhập quốc tế để các DN xuất khẩu tiếp cận và có sự chủ động tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các FTA.

Cùng với đó, toàn ngành đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp, hạ tầng thương mại, tập trung phát triển ngành công nghiệp có lợi thế về chế biến nông sản, phát triển ngành công nghiệp mới; xem công nghiệp là động lực góp phần tăng trưởng kinh tế và tiêu thụ nông sản. Hình thành các trung tâm chế biến nông sản, thủy sản và thực phẩm; phát triển công nghiệp dược phẩm, công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; ổn định và phát triển các ngành công nghiệp chế biến lúa gạo, cá tra theo hướng tạo ra nhiều dòng sản phẩm giá trị gia tăng cao; phát triển đa dạng các hình thức bán buôn, các trung tâm kho vận, chuỗi liên kết và các kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ logistics theo hướng chuỗi cung ứng trong và ngoài tỉnh. Ngành tham mưu, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025: rà soát, tham mưu tỉnh ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ; đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực cho thương mại điện tử; hỗ trợ các DN áp dụng các giải pháp công nghệ số (mã vạch, QR code, Blockchain, ), xây dựng website thương mại điện tử, xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng trong thương mại điện tử; tuyên truyền làm thay đổi thói quen mua sắm từ truyền thống chuyển sang hướng mua sắm hiện đại với các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, tiếp tục tạo điều kiện để các DN phát triển hệ thống phân phối đồng bộ và phù hợp, tiến đến phát triển hệ thống thương mại theo chuỗi giá trị, phân phối trực tiếp hàng nông sản vào các hệ thống bán lẻ chuyên nghiệp, hiện đại;...

PV: Xin cám ơn ông!

Thành Nam (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn