Rau sạch vẫn “đánh bạc” với thị trường...

Cập nhật ngày: 18/05/2016 15:58:17

Nằm ven sông Tiền được bồi đắp phù sa nên những cánh đồng rau màu của xã Long Thuận (huyện Hồng Ngự) quanh năm bạt ngàn màu xanh non mát. Ông Dương Minh Sang - Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) rau an toàn xã Long Thuận chia sẻ: Nhờ vùng này có đất màu, đất bãi, lại gần sông Tiền rất phù hợp trồng cây màu nên từ trước đến nay bà con ở xã này lựa chọn rau màu làm kế sinh nhai. Theo ông Sang, với diện tích 198ha thì có hơn 160ha đất màu, đất bãi, gần như được bà con trồng rau quanh năm, nhiều nhất là cải, hành lá, củ cải, tần ô, mồng tơi, các loại cây gia vị...


Rau an toàn sản xuất trong nhà lưới hạn chế được sâu bệnh xâm hại, đảm bảo an toàn, chất lượng

HTX thường xuyên khuyến cáo xã viên sử dụng các loại thuốc do Trạm bảo vệ thực vật (BVTV) hướng dẫn, đảm bảo thời gian cách ly cũng như được test dư lượng kháng sinh trước khi cung ứng cho các chợ và siêu thị. Nhờ đó, luôn đảm bảo chất lượng an toàn. Cũng hướng đến mô hình sản xuất rau sạch, đầu năm 2016, HTX hướng dẫn xã viên triển khai mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới với sự hỗ trợ 30% của huyện và hệ thống phun tưới tự động đầu tư trước đó, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tăng thu nhập cho xã viên - ông Sang cho biết.

Trò chuyện với chúng tôi trên cánh đồng rau xanh của mình, anh Đỗ Thanh Sĩ (ấp Long Hòa, xã Long Thuận) - người thực hiện mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới cho biết: Tuy mới làm được 2 lứa rau nhưng đã thấy rõ hiệu quả của mô hình. Rau trồng trong nhà lưới xanh non hơn so với môi trường ở bên ngoài, đồng thời giảm được 3-4 lần phun thuốc nhờ không có sâu bệnh xâm hại. Tính trung bình 1.000m2 chỉ đầu tư 1,2 triệu đồng/công, giảm hơn khoảng 300 - 500 ngàn đồng so với trồng bên ngoài. Từ hiệu quả mô hình, anh dự định xây thêm 1 nhà lưới khoảng 1.000m2 để trồng các loại rau truyền thống, mục đích là giảm giá thành và tạo ra những sản phẩm rau sạch, an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và nâng giá trị bán ra trên thị trường...

Tuy nhiên, nỗi lo của anh Sĩ cũng như nông dân địa phương lâu nay vẫn là chuyện đầu ra, chuyện giá cả. “Khâu này bấp bênh lắm. Năm nay, tôi trồng rau trong nhà lưới phải đầu tư chi phí cao, sản xuất theo quy trình an toàn. Nhưng so về giá với rau bên ngoài thì chẳng có gì khác, vẫn bán cào bằng” - anh Sĩ cho biết. Theo anh Sĩ, dù là một vùng rau lớn nhưng từ trước tới nay hầu hết nông sản làm ra, nông dân trong xã phải tự xoay xở khâu tiêu thụ, bằng cách thông qua thương lái hoặc tự mang đi bán tại các chợ. Trước đây, HTX cũng có “bắt tay” hợp tác với siêu thị Vinafood Cao Lãnh, nhưng do số lượng thu mua ít, HTX không có phương tiện vận chuyển, thành thử “cái bắt tay” cứ lỏng dần rồi dứt hẳn. Từ đó, nông dân địa phương lại quay lại, tự vật lộn tìm đầu ra cho sản phẩm của mình trong tâm thế “người đánh bạc”...

Thừa nhận về vấn đề này, ông Dương Minh Sang cho biết, trước đây HTX cũng liên kết tìm đầu mối nhưng do doanh nghiệp yêu cầu cao trong khi năng lực của HTX còn yếu nên chưa đáp ứng kịp. Hiện HTX chỉ còn cung ứng mỗi ngày 30-40kg rau cho cửa hàng Gresh and Green, số lượng cũng chưa nhiều. Hiện nay, HTX cũng đặt nhiều kỳ vọng vào mô hình trồng rau nhà lưới sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm rau an toàn, chất lượng, hướng tới nhiều thị trường. Bên cạnh khuyến khích nông dân sản xuất theo quy trình an toàn, HTX đang triển khai xây dựng nhà sơ chế, đầu tư bao bì, mở điểm giới thiệu sản phẩm rau của HTX ở thị xã Hồng Ngự và xúc tiến liên kết tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị trong tỉnh, nhằm tạo đầu ra ổn định cho rau an toàn Long Thuận trong thời gian tới...

Mỹ Nhân

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn