Nghề trồng nấm rơm cần được hỗ trợ

Cập nhật ngày: 13/05/2016 14:10:22

Nhiều năm qua, nấm rơm trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Lai Vung. Song do chưa được quan tâm, hỗ trợ đúng mức nên việc phát triển nghề trồng nấm rơm ở Lai Vung còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng.


Nông dân trồng nấm rơm tại huyện Lai Vung đang gặp nhiều khó khăn

Nghề trồng nấm ở Lai Vung phát triển có thể đóng góp rất nhiều vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vì tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp: rơm rạ làm nguyên liệu chính và quy trình được quay vòng khi bã nấm được tận dụng làm phân hữu cơ. Tuy nhiên, gần đây, diện tích trồng nấm rơm ở Lai Vung liên tục giảm, nếu như năm 2010 hơn 500ha thì đến nay chỉ còn 210ha.

Ông Nguyễn Viết Dều - Cán bộ nông nghiệp xã Tân Hòa, huyện Lai Vung cho hay: “Nhiều hộ nông dân trong xã phải bỏ nghề trồng nấm do chi phí canh tác tăng cao dẫn đến việc thiếu vốn, đầu ra không ổn định”.

Ngán ngẩm trước thực trạng cây nấm rơm mất đi hiệu quả kinh tế, ông Dương Văn Hòa ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa chia sẻ: “Để canh tác hơn 2 công nấm rơm, gia đình tôi phải đầu tư số vốn trên 50 triệu đồng mua rơm, meo và thuê nhân công. Để thu hồi lại vốn, thì phải thu hoạch từ 1 - 1,2 tấn nấm/công nhưng với thời tiết như hiện tại thì lượng nấm thu hoạch sẽ giảm đi rất nhiều, việc thua lỗ là chuyện đã biết trước”.

Theo nhiều nông dân, từ sau Tết Nguyên đán, thời tiết nắng nóng khiến người trồng nấm rơm gặp nhiều khó khăn. Những đợt nắng nóng kéo dài khiến chất lượng nấm không đảm bảo, meo trồng ra tơ nhưng không thể kết nấm. Ông Đặng Văn Miêu ngụ ấp Định Mỹ, xã Định Hòa cho biết: “Đợt trồng nấm vừa qua, gia đình tôi bị lỗ nặng, chi phí bỏ ra hơn 40 triệu đồng cho gần 2 công nấm, nhưng thu hoạch chỉ được 600 - 700kg. Nắng nóng kéo dài khiến năng suất giảm hơn 50%”.

Song song đó, nông dân còn gặp khó khăn ở khâu chọn giống meo. Meo nấm là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của mùa vụ nhưng phần lớn người trồng nấm mua meo nấm qua các thương lái và các đại lý kinh doanh.

Nói về những mong muốn hỗ trợ phát triển, nông dân Bùi Thị Thanh ngụ ấp Định Mỹ, xã Định Hòa cho biết: “Nghề trồng nấm giúp nhiều hộ nghèo cải thiện kinh tế gia đình. Tuy nhiên, để các hộ trồng nấm tiếp tục phát triển ổn định, rất cần có sự hỗ trợ hơn nữa về kỹ thuật và vốn đầu tư sản xuất, liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho mặt hàng thực phẩm này”.

Để nghề trồng nấm phát triển bền vững, ông Huỳnh Văn Tồn - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung cho biết: “Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ tổ chức các cuộc hội thảo hướng dẫn nông dân phát triển nghề trồng nấm rơm trong nhà theo quy trình kỹ thuật chuẩn, kiểm soát được các yếu tố thời tiết. Ngành nông nghiệp sẽ có những đề xuất hỗ trợ vốn cho bà con trồng nấm để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, địa phương rất mong muốn được sự hỗ trợ từ các ngành tỉnh trong việc nghiên cứu tìm ra nguồn giống đạt chất lượng để phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con nông dân”.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn