Phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương

Cập nhật ngày: 27/10/2020 06:02:09

ĐTO-  Đến năm 2020, hạ tầng công nghiệp và thương mại có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu của nhà đầu tư và nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Với nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó có nguồn vốn xổ số kiến thiết, tỉnh đã tập trung phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và hạ tầng thương mại thu hút vốn đầu tư, giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động địa phương.


Hoạt động của nhà đầu tư, công ty, doanh nghiệp tại Đồng Tháp đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ảnh: H.Trọng

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 khu công nghiệp (Sa Đéc, Trần Quốc Toản, Sông Hậu) đã hoạt động với tổng diện tích 250ha, có 60 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 9.810 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy khoảng 98%; 12 cụm công nghiệp đã hoạt động với tổng diện tích 405ha, có 60 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 14.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy khoảng 76%. Song song đó, cụm công nghiệp Tân Lập (50ha) đang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật; cụm công nghiệp An Hòa (43ha) đang xây dựng phương án đền bù và giải phóng mặt bằng; mặt bằng Khu công nghiệp Tân Kiều (150ha) đang san lấp, kêu gọi đầu tư.

Huyện Tháp Mười là một trong các địa phương có nhiều thuận lợi trong hoạt động thu hút đầu tư các dự án vào các cụm công nghiệp. Với sự quan tâm của UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND huyện tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ... Các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo thuận lợi để sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất (Cụm Công nghiệp thương mại - dịch vụ Trường Xuân có 3 nhà đầu tư đi vào hoạt động như: Công ty Cổ phần thực phẩm One-One Miền Nam, Công ty TNHH MTV kinh doanh và xay xát lúa gạo Cẩm Nguyên; Công ty TNHH Lúa Gạo Việt Nam (Vinarice)). Hoạt động của các công ty tại các cụm công nghiệp trên địa bàn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm tại chỗ cho người dân địa phương. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ được đầu tư, xây dựng ngày càng hoàn chỉnh như: Cụm công nghiệp thương mại - dịch vụ Trường Xuân đi vào hoạt động, triển khai xây dựng Khu công nghiệp Tân Kiều, quy hoạch Khu công nghiệp Trường Xuân-Hưng Thạnh; hạ tầng đô thị thị trấn Mỹ An và trung tâm xã Trường Xuân được đầu tư theo lộ trình, từng bước hoàn chỉnh các tiêu chí đô thị loại 4 và đô thị loại 5. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh có bước phát triển mạnh mẽ; đã tiếp 25 công ty, doanh nghiệp đến tìm hiểu, có 10 công ty, doanh nghiệp đã đầu tư và 9 doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định.

Huyện Tháp Mười đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2020 có hơn 80 doanh nghiệp tham gia và đã ký 7 bản ghi nhớ đăng ký đầu tư. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện, hỗ trợ kịp thời tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp; tạo cơ hội để các dự án khởi nghiệp, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư dự án mới và mở rộng quy mô sản xuất. Tại huyện Tam Nông, công tác xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp được chú trọng, đã kêu gọi đầu tư được các dự án trên địa bàn gồm: Nhà hàng - Khách sạn Tràm Chim; Hồ rừng Phú Cường; Nâng cấp - Cải tạo chợ Hòa Bình và Nâng cấp - Cải tạo chợ Phú Hiệp; Công ty may Phương Vũ; Nhà máy sản xuất gạch granite ấp K12, xã Phú Hiệp, từ đó tạo tăng trưởng công nghiệp trong giai đoạn 2015 - 2020 và giai đoạn tiếp theo. Các dự án còn lại đã có những nhà đầu tư đến tìm hiểu và khảo sát.

Hạ tầng công nghiệp và thương mại có nhiều chuyển biến tại các địa phương đã thu hút doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp ngày càng lớn và tăng trưởng qua các năm. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 290.000 tỷ đồng, thu hút khoảng 30.000 lao động. Trong giai đoạn tới, tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, phát triển dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ hậu cần công nghiệp ven sông Tiền, sông Hậu, kênh xáng Lấp Vò - Sa Đéc và khu vực Đồng Tháp Mười. Thời gian tới, dự kiến kêu gọi đầu tư một số dự án trong lĩnh vực hạ tầng công nghiệp - thương mại dịch vụ như: 7 khu công nghiệp (770ha), 16 cụm công nghiệp (713ha) với tổng mức đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến bố trí vốn đầu tư công khoảng 4.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Tân Kiều, Khu công nghiệp Ba Sao, Khu công nghiệp Trần Quốc Toản mở rộng, Khu công nghiệp Sông Hậu 2, Cụm công nghiệp Mỹ Hiệp 2. Hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế cửa khẩu (giai đoạn 3), Cụm tiểu thủ công nghiệp kết hợp với khu khởi nghiệp TP.Cao Lãnh...

Ngoài ra, kêu gọi đầu tư trung tâm Logistics và mở rộng chợ đầu mối trái cây tỉnh Đồng Tháp kết hợp điểm dừng chân, đầu tư các dự án vào khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà và cửa khẩu Quốc tế Thường Phước. Trong đó ưu tiên kêu gọi các lĩnh vực: kho chứa hàng hóa-logistics; kho ngoại quan, công nghiệp dự trữ, trung tâm thương mại, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, khu thương mại dịch vụ... Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, gắn quy hoạch với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Định hướng phát triển các khu, cụm công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu, nguồn lao động, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

C.P.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn