Huyện Lai Vung

Nhiều kết quả nổi bật từ phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Cập nhật ngày: 12/12/2014 13:20:31

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng là một phong trào lớn do Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) phát động. Thời gian qua, phong trào này được đông đảo bà con nông dân ở huyện Lai Vung nhiệt tình hưởng ứng, tham gia. Từ phong trào đã giúp nông dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Mô hình liên kết tiêu thụ dưa lê ở xã Tân Hòa

Qua 3 năm triển khai (2012 - 2014), phong trào nông dân SXKDG ở huyện Lai Vung đã có những chuyển biến tích cực. Số lượng nông dân tham gia đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi tăng đều qua các năm, qua bình xét, số lượt hộ nông dân SXKDG các cấp đạt 47% so với tổng số hộ đăng ký.

Hội Nông dân huyện làm tốt công tác cầu nối, giúp đỡ cho nhiều gia đình nghèo, các đối tượng chính sách tiếp cận được các nguồn vốn vay từ nhiều dự án. Qua đó, góp phần giúp cho nhiều hộ nông dân thoát nghèo bền vững, nhiều hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi các cấp. Theo thống kê, số lượng hộ nghèo được xét vay vốn và sử dụng hiệu quả tăng đều theo các năm, tính cuối tháng 9/2014, tổng số hộ được Hội xét hỗ trợ vay vốn là 4.197 hộ với số tiền trên 48 tỷ đồng. Ngoài ra, từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân do Trung ương Hội phân bổ, huyện đã cho 58 hội viên nông dân vay 500 triệu đồng, thực hiện 2 dự án trồng quýt hồng theo hướng GAP ở xã Long Hậu và 1 dự án đan lờ lọp ở xã Hòa Long.

Nhờ tạo được động lực kịp thời từ cấp hội ở huyện đến cơ sở nên bà con hội viên rất yên tâm sản xuất. Nhiều mô hình hay và sáng kiến mới được áp dụng, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: sáng kiến điều khiển tắt mở từ xa bằng điện thoại di động khi bơm nước hoặc phun thuốc cho vườn cây ăn trái; sử dụng điện bơm thoát nước phục vụ sản xuất lúa; sử dụng phân hữu cơ vi sinh để cải tạo đất để tăng hiệu quả của phân hóa học; sử dụng chế phẩm sinh học làm giảm mùi hôi trong chăn nuôi; đã đưa được giống lúa OM 4218, MTL566 và giống LD-2012 ra sản xuất và được nông dân chấp nhận vì có thể thay thế giống lúa IR 50404; sử dụng tôm giống toàn đực công nghệ Israel.

Ngoài ra, thông qua các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ được Hội kết hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phần nào giúp cho nông dân thay đổi tập quán sản xuất, tiếp cận dần với các tiến bộ khoa học kỹ thuật; cơ giới hóa vào sản xuất lúa. Do đó, năng suất bình quân hằng năm và doanh thu của bà con trồng lúa được cải thiện và tăng đáng kể, lợi nhuận trung bình khoảng 50 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ sau thu hoạch có nhiều tiến bộ. Hiện có trên 95% diện tích thu hoạch bằng cơ giới, và hệ thống các sân phơi, lò sấy phát triển đều khắp, có nhiều mô hình nông dân sản xuất giỏi từ dịch vụ này.

Trong thời gian qua, ngoài sản xuất cây lúa, bà con nông dân còn tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, diện tích trồng 2 lúa + 1 màu tăng đáng kể. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất, giúp nông dân giảm dần diện tích độc canh cây lúa, hạn chế rủi ro trong sản xuất. Nổi trội trong mô hình kết hợp lúa màu là mô hình liên kết tiêu thụ đậu bắp Nhật và dưa lê ở vùng màu của xã Tân Hòa. Sau nhiều năm liên kết tốt với các đối tác bao tiêu nông sản đã góp phần giúp người nông dân có thu nhập ổn định, nhiều hộ gia đình thoát nghèo nhờ thực hiện mô hình sản xuất này.

Trên lĩnh vực cây ăn trái, hiện nay, với thế mạnh là phát triển cây có múi, tập trung cho các sản phẩm: quýt hồng, quýt đường, cam xoàn, cam mật... Bà con nhà vườn Lai Vung đang dần ổn định thu nhập, nhiều gia đình vươn lên khá giàu với các cây trồng tiềm năng này. Trong nhiệm kỳ qua, đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với bà con nhà vườn canh tác trên lĩnh vực cây có múi. Nhiều cách làm mới được nhà vườn ứng dụng như: cho quýt hồng rải vụ, liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP và VietGAP nhằm đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng khách hàng khó tính.

Chia sẻ về những định hướng thực hiện phong trào nông dân SXKDG của huyện Lai Vung trong giai đoạn mới, ông Phạm Văn Thật - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: “Phát huy những kết quả đã đạt được trong 3 năm qua, phong trào nông dân SXKDG giai đoạn 2015 và những năm tiếp theo hướng vào chương trình tái cơ cấu nền nông nghiệp. Thông qua đó, hướng cho nông dân biết liên kết sản xuất và liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, an toàn với giá thành hạ và đạt các tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu. Qua thực hiện phong trào, nâng cao vai trò của Hội Nông dân và các đoàn thể trong việc tạo niềm tin, động lực cho nông dân vươn lên làm giàu, thoát nghèo và có trách nhiệm với cộng đồng; phấn đấu mỗi năm số hộ đạt tiêu chuẩn nông dân SXKDG tăng từ 10-15%, số hộ nghèo giảm 3-5%”.

Mỹ Lý

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn