Phát triển mô hình sản xuất ổi bền vững

Cập nhật ngày: 10/12/2014 13:26:15

Hiện nay, toàn huyện Cao Lãnh có tổng diện tích vườn chuyên canh là 5.330ha. Trong đó, chuyên canh ổi là 229ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Mỹ Hiệp, Bình Thạnh, Mỹ Long... hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 7.328 tấn ổi thương phẩm. Tuy nhiên, từ thực tế canh tác cho thấy, lợi nhuận từ cây ổi chưa cao so với các loại cây trồng khác ở địa phương, do tỉ lệ thất thoát trong sản xuất và sau thu hoạch của ổi khá cao, giá bấp bênh...


Áp dụng kỹ thuật bao trái ổi bằng bao xốp và bao nilon kết hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao

Nhằm giúp các nhà vườn áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời gắn kết với bao tiêu sản phẩm, vừa qua, Trạm Khuyến nông và Khuyến ngư (KN&KN) huyện Cao Lãnh thực hiện trình diễn mô hình sản xuất ổi xá lị nghệ (giống ổi địa phương) theo hướng an toàn ở xã Mỹ Hiệp, với quy mô 1ha/5 hộ tham gia. Kết quả bước đầu cho thấy, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, tạo được sức lan tỏa lớn trong vùng.

Tham gia mô hình, nhà vườn được tập huấn kỹ thuật sản xuất ổi an toàn, đồng thời từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp của huyện, Trạm KN&KN huyện hỗ trợ thêm một phần chi phí sản xuất là 20,85 triệu đồng/ha, bao gồm chi phí: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bao xốp và bao nilon cho bà con nhà vườn. Đặc biệt, khi áp dụng đúng qui trình sản xuất ổi an toàn, bà con nhà vườn còn được bao tiêu ổi với giá khá cao so với sản xuất truyền thống.

Ông Nguyễn Bá Minh, một nông dân tham gia mô hình sản xuất ổi an toàn ở ấp 3, xã Mỹ Hiệp chia sẻ: “Trước đây, tôi và nhiều bà con nơi đây chỉ sử dụng bao nilon để bao ổi, mặc dù biện pháp này chi phí thấp, dễ làm nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Vì sử dụng bao nilon ổi thường bị nám trái do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và dễ bị ong trũi tấn công, làm cho tỷ lệ thất thoát khi thu hoạch cao. Tuy nhiên, khi áp dụng bao trái ổi bằng bao xốp bên trong và bao nilon bên ngoài và kết hợp với việc tăng cường bón phân kali, không những giúp giảm tỉ lệ hao hụt mà còn giảm nguy cơ nám trái, có thể vận chuyển xa, tăng thời gian bảo quản sau khi thu hoạch, tăng sản lượng khoảng từ 5-10 % so với ổi bao nilon, đồng thời vỏ trái rất sáng, bóng và giá bán chênh lệch so với ổi không bao xốp từ 1.500 - 2.000 đồng/kg”.

Theo Trạm KN&KN huyện Cao Lãnh, để áp dụng kỹ thuật bao trái ổi đạt hiệu quả, nhà vườn nên bắt đầu bao trái khi ổi có đường kính từ 2 - 3cm (tức là sau khi đậu trái khoảng 2 tuần); nên phun thuốc trừ sâu bệnh một lần, chờ 2-3 ngày sau thì tiến hành bao trái. Đồng thời, ngoài sử dụng các loại phân thuốc chuyên dụng trên ổi, nhà vườn cần bón tăng cường phân kali nhằm làm tăng quá trình phân hóa mầm hoa, giảm tỷ lệ rụng, tăng tỷ lệ đậu trái và nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua tích lũy đường trong trái, vitamin, làm cho màu sắc quả đẹp khi chín và làm tăng khả năng bảo quản của trái, góp phần nâng cao giá trị thương mại trên thị trường.

Kết quả của mô hình sản xuất ổi an toàn cho thấy, 1ha ổi lợi nhuận 124,4 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình gần 70 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng Trạm KN&KN huyện Cao Lãnh cho biết: “Phần lớn các hộ trồng ổi đều tâm đắc với hiệu quả do mô hình mang lại. Tôi nghĩ rằng, từ mô hình trình diễn lần này sẽ có nhiều nhà vườn ứng dụng. Riêng ngành nông nghiệp sẽ xem xét để tiếp tục nhân rộng mô hình ra các địa phương có sản xuất ổi trên địa bàn huyện trong thời gian tới”.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn