Nâng cao sức cạnh tranh cho cây trồng chủ lực

Cập nhật ngày: 20/10/2016 09:37:19

ĐTO - Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh tập trung nâng cao giá trị các cây trồng chủ lực như xoài, lúa, hoa kiểng. Bằng những tác động đòn bẫy từ chính sách, quy trình sản xuất mới, tìm kiếm thị trường... đã giúp cây trồng chủ lực của tỉnh chinh phục thị trường.


Cánh đồng thử nghiệm phân bón thông minh, giúp giảm gần 50% lượng phân bón

Để các cây trồng chủ lực của tỉnh phát triển, tỉnh đã tăng cường hỗ trợ bằng những mô hình cụ thể nhằm giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh. Đối với ngành hàng lúa gạo, dù là địa phương sở hữu diện tích canh tác, sản lượng cung ứng cho thị trường lớn nhưng người nông dân vẫn còn nghèo. Đây được nhận định là khuyết điểm của ngành hàng này. Nhận diện được điểm yếu đó, tỉnh tập trung vào công tác tổ chức, áp dụng các biện pháp giảm giá thành, phát triển các sản phẩm gia tăng để nâng cao giá trị ngành hàng. Cụ thể như: áp dụng mô hình 3 giảm 3 tăng, kỹ thuật trồng lúa SRI; xây dựng và nhân rộng mô hình giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất. Riêng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ được tỉnh thực hiện khá sớm. Dù kết quả chưa thật sự như mong đợi, nhưng từ mô hình này đã giúp nông dân giảm giá thành từ 600 - 700 đồng/kg, lợi nhuận tăng 3-4 triệu đồng/ha so với sản xuất truyền thống. Việc “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa hữu cơ” cũng giúp giảm giá thành sản xuất từ 10-20%, chinh phục người tiêu dùng bằng sản phẩm an toàn.

Ngành hàng xoài đang mở ra hướng đi phấn khởi khi sản phẩm chinh phục thị trường ngoài nước bằng chất lượng, an toàn. Tuy nhiên, nhược điểm của nông sản thế mạnh là chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là sản lượng xoài trong mùa nghịch đạt tỷ lệ thấp. Giải tỏa áp lực này cho người trồng xoài, ngành nông nghiệp tỉnh định hướng sản xuất xoài rải vụ với diện tích trên 200ha (huyện Cao Lãnh và TP.Cao Lãnh). Theo ông Võ Việt Hưng - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương, mô hình canh tác xoài rải vụ giúp nông dân sản xuất khắc phục được tình trạng rớt giá khi thu hoạch cùng thời điểm và giá bán khá cao. Tuy nhiên, thời gian đầu bà con thực hiện đạt kết quả chưa cao, cần phải có thời gian rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình.

Thời gian qua, trước thông tin thị trường Úc chấp nhận xoài của HTX Xoài Suối Lớn (Đồng Nai), các ngành hữu quan và một số HTX tỉnh nhà đã đến thăm cách làm của đơn vị. Trong khuôn khổ chuyến tham quan, lãnh đạo các HTX ở Đồng Tháp đề nghị HTX xoài Suối Lớn hỗ trợ một số thông tin về kỹ thuật cho trái đạt chất lượng xuất khẩu. Ngoài ra, 2 bên cũng thỏa thuận về hợp tác cung ứng sản phẩm cho đối tác khi HTX xoài Suối Lớn có hợp đồng tiêu thụ mà sản lượng không đủ hàng...

Đối với ngành hàng hoa kiểng, tỉnh đầu tư xây dựng Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đã phần nào giải tỏa “cơn khát” về giống hoa kiểng chất lượng cho người dân. Ông Trần Văn Út Hùng ở xã Tân Khánh Đông cho biết: “Việc sử dụng cây giống cấy mô đáp ứng tiêu chí của người trồng hoa như cây sạch bệnh, chất lượng hoa đồng đều. Nếu người trồng hoa muốn tiết kiệm chi phí thì có thể ươm cây giống từ sản phẩm cấy mô, hoa kiểng khi đến tay người tiêu dùng vẫn đạt chất lượng cao hơn so với sử dụng cây giống ngoài thị trường”.

Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng cơ sở hạ tầng cho Làng hoa kiểng Sa Đéc phát triển du lịch, góp phần nâng cao giá trị cho ngành hàng hoa kiểng, hình thành thương hiệu “Thành phố Hoa Sa Đéc” trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Góp thêm vào sự thành công cho các ngành hàng cây trồng chủ lực của tỉnh, từ các nguồn vốn Trung ương, địa phương, thời gian qua tỉnh quan tâm cải tạo nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống kênh trục chính tạo nguồn. Qua thời gian đầu tư, đến nay hệ thống thủy lợi đảm bảo cho tưới tiêu đạt 100% diện tích. Tỉnh cũng chú ý đến việc đưa cơ giới hóa trong sản xuất. Hiện có 100% diện tích sản xuất làm đất bằng máy, thu hoạch bằng máy gặt đập đạt trên 97%, 82% diện tích được bơm điện. Riêng kỹ thuật san phẳng đồng ruộng bằng công nghệ laser tiên tiến cũng được đưa vào sử dụng tại một số HTX.

Không chỉ chú trọng đến thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa cũng được tỉnh quan tâm trong việc tiêu thụ nông sản tỉnh nhà. Thời gian qua, ngành nông nghiệp, công thương tổ chức các chuyến khảo sát thị trường, tìm kiếm đối tác tiêu thụ cho lúa gạo, nông sản tươi sống tại các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung... Qua đó cho thấy, sản phẩm nông sản của Đồng Tháp có nhu cầu rất lớn tại thị trường miền Trung, đặc biệt là sản phẩm gạo.

Ngoài ra, Đồng Tháp và Rynan Agrifood đang khảo nghiệm phân bón thông minh trên đồng ruộng, tiến đến quản lý dinh dưỡng cho cây bằng công nghệ điện toán đám mây. Theo đó, Mỹ Lan Group và tỉnh sẽ triển khai chương trình nghiên cứu về bao bì, bảo quản sản phẩm và công nghệ sau thu hoạch, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Hướng đến sản xuất tiên tiến, tỉnh quan tâm đến quan hệ hợp tác với các nước bạn có chung lợi thế về nông nghiệp. Thời gian qua, đoàn công tác của tỉnh sang làm việc với tỉnh Ibaraki và một số tỉnh khác của Nhật Bản để thúc đẩy quá trình hợp tác trong nông nghiệp. Theo đó, các chuyên gia của tỉnh Ibaraki đã sang Đồng Tháp để khảo sát và giới thiệu về nông nghiệp. Qua đó, các HTX của tỉnh nhà đã học tập nhiều điểm hay để áp dụng vào sản xuất của đơn vị. “Ấn tượng nhất với tôi từ HTX nước bạn là chữ “tín” trong liên kết sản xuất và tự chịu trách nhiệm về nông sản của mình. Việc làm trên thể hiện trách nhiệm của người sản xuất đối với người tiêu dùng” - ông Nguyễn Tiền Giang, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Phú Đông nói.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn