Nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh sản phẩm làng nghề truyền thống

Cập nhật ngày: 10/10/2019 05:31:09

ĐTO - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có 39 làng nghề tiểu thủ công nghiệp được công nhận. Trong đó, có 21 làng nghề và 18 làng nghề truyền thống với các sản phẩm khá đa dạng như: đan đát, chế biến lương thực, thực phẩm, trồng hoa kiểng, hàng thủ công mỹ nghệ...


Nghề trồng hoa kiểng

Số hộ tham gia làm nghề khoảng 5.600 hộ (chiếm 17% tổng số hộ trên địa bàn có làng nghề, làng nghề truyền thống), với khoảng 12.200 lao động. Tổng thu nhập hàng năm của làng nghề khoảng 15,3 tỷ đồng. Các làng nghề hoạt động ổn định góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho các ngành nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, năm 2017 - 2018, từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh phân khai 630 triệu đồng để hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn. Trên cơ sở nguồn vốn được phê duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành tỉnh, các địa phương triển khai thực hiện.

Theo đó, có 8 mô hình được hỗ trợ phát triển sản xuất, tổ chức được 10 lớp tập huấn triển khai công tác ngành nghề nông thôn và tổ chức chuyến học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh về phương thức quản lý phát triển ngành nghề gắn với du lịch, với tổng kinh phí thực hiện đạt trên 530 triệu đồng, đạt trên 84% kế hoạch vốn. Các mô hình hỗ trợ sau khi nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, giảm chi phí nhân công, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ đó góp phần nâng cao lợi nhuận và thu nhập cho các cơ sở sản xuất tại các làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Định hướng phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn đến năm 2020 trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh. Trong đó, chú trọng phát triển ngành nghề với các sản phẩm thế mạnh của tỉnh; giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời tiếp tục bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống hiện có, tập trung phát triển sản phẩm đặc thù riêng của từng địa phương gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); quản lý các làng nghề được công nhận đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường; hình thành các sản phẩm tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch trong đó gắn với bảo vệ môi trường.

Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với nghề truyền thống, nguồn vốn, nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm tiêu biểu và phát triển thị trường, tổ chức sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn