Hợp tác xã Tân Bình thực hiện chuỗi giá trị liên kết tiêu thụ lúa với doanh nghiệp

Cập nhật ngày: 05/07/2020 05:51:21

ĐTO - Những năm gần đây, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tân Bình (huyện Thanh Bình) không chỉ đa dạng hóa các mô hình sản xuất, kinh doanh mà còn thực hiện mô hình chuỗi giá trị liên kết tiêu thụ lúa với doanh nghiệp (DN). Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên HTX.


Thực hiện chuỗi giá trị liên kết giúp nâng cao thu nhập cho thành viên hợp tác xã

HTX Tân Bình được thành lập năm 1998. Sau khi hợp nhất các HTX nông nghiệp trên địa bàn xã vào tháng 12/2003, đến nay, HTX Tân Bình có quy mô toàn xã với trên 1.000 thành viên.

HTX hoạt động theo mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp đa ngành nghề, hình thức hợp tác. Đặc biệt là áp dụng các mô hình mới trong sản xuất nhằm giảm chi phí, sản phẩm làm ra có chất lượng cao. Hiện nay, HTX tập trung phát triển 8 dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp như: tưới tiêu, làm đất, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tín dụng nội bộ, cắt gặt liên hợp, sản xuất giống lúa và cây con, nước sinh hoạt nông thôn, phơi sấy và tồn trữ tiêu thụ.

Bên cạnh việc đa dạng hóa các dịch vụ sản xuất, HTX còn trăn trở khi sản xuất nông nghiệp phải đối diện với nhiều rủi ro từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt là tình hình tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn do thị trường có xu hướng chuyển từ “ăn no” sang “ăn ngon” và sản phẩm phải đảm bảo chất lượng. Trong khi, người nông dân còn mang nặng tâm lý sản xuất tự phát, nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống.

Xuất phát từ sự trăn trở đó, năm 2018, HTX Tân Bình đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh thông qua việc thành lập cánh đồng lớn. Trong đó, HTX tập hợp những hộ thành viên có nhu cầu sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, cùng chủng loại giống để tạo ra sản lượng lớn thu hút DN đến ký kết hợp đồng thu mua.

Qua thời gian xây dựng mô hình, đến nay có nhiều DN tìm đến ký kết thực hiện chuỗi giá trị liên kết với HTX. Cụ thể, năm 2018, HTX ký kết thực hiện chuỗi giá trị liên kết cùng Công ty lương thực Tân Hồng với diện tích 52,6ha giống lúa Jasmine, có 25 hộ thành viên tham gia. Thực hiện mô hình này, DN cung cấp giống vật tư đầu vào cho nông dân, đến khi thu hoạch sẽ khấu trừ vào sản lượng. Tổng kết mô hình năm 2018, HTX tiêu thụ được 342 tấn lúa cho các thành viên và hai bên không có vi phạm hợp đồng, giá sản phẩm được công ty thu mua là 5.600 đồng/kg, cao hơn giá thị trường 150 đồng/kg lúa. Từ đó, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất.

Nhận thấy được hiệu quả của chuỗi giá trị liên kết, nhiều thành viên HTX chủ động tham gia vào mô hình. Vì vậy, năm 2019, HTX kêu gọi, thực hiện liên kết với 3 DN gồm: Công ty lương thực Tân Hồng (với 30ha, giống lúa Jasmine); Công ty lương thực Hồng Tân (67ha, giống lúa Hương Châu 6) và Doanh nghiệp Phương Minh (30ha, giống lúa OM6976). Về hình thức liên kết, các DN vẫn cung cấp giống, vật tư phân bón đầu vào. Theo thống kê của HTX, tổng diện tích thực hiện liên kết là 127ha với 58 hộ thành viên tham gia sản xuất 3 loại giống, sản lượng tiêu thụ là 635 tấn, giá bình quân 5.600 đồng/kg, cao hơn thị trường 75 đồng/kg lúa. Đặc biệt không có hộ thành viên vi phạm hợp đồng.

Vụ đông xuân năm 2020, HTX Tân Bình tiếp tục ký hợp đồng với Công ty Hồng Tân với diện tích 250ha, giống Hương Châu 6. Theo đó, giá lúa được tính theo thời điểm thu hoạch được cộng thêm 500 đồng/kg (đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm). Theo HTX, sản lượng liên kết tiêu thụ vụ đông xuân là 300 tấn, giá lúa thu mua bình quân là 6.500 đồng/kg. Đến vụ hè thu năm 2020, do tình hình dịch Covid-19, việc tiêu thụ gạo gặp khó khăn nhưng DN vẫn duy trì tiêu thụ 15ha, giảm 60% so với kế hoạch.

Ông Phan Công Chính - Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Bình nhận xét, qua 3 năm thực hiện chuỗi giá trị liên kết tiêu thụ, hiệu quả mang lại khá rõ đó là đầu ra nông sản ổn định, giá lúa cao hơn thị trường từ 75- 500 đồng/kg. Từ đó giúp nâng cao thu nhập cho thành viên HTX. Tuy nhiên, khó khăn của HTX hiện nay là tỷ lệ hộ dân tham gia chuỗi liên kết chỉ chiếm 20% tổng số hộ HTX. Nguyên nhân là do phần lớn nông dân vẫn còn tư tưởng sản xuất theo truyền thống, việc liên kết chưa tạo sự hấp dẫn các thành viên.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chuỗi liên kết, thời gian tới, HTX tiếp tục tìm hiểu, chia sẻ khó khăn để người dân hiểu và tích cực tham gia mô hình. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động. Ông Phan Công Chính chia sẻ: “Sau 3 năm thực hiện chuỗi giá trị, HTX rút ra kinh nghiệm đó là để mô hình liên kết phát triển ổn định cần có sự đồng lòng của cả 3 bên: Nhà nước, DN, HTX. Vì vậy, thời gian tới, HTX mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương vận động tuyên truyền về ý nghĩa, hiệu quả mang lại trong việc liên kết. Riêng DN cần chia sẻ thêm những khó khăn, thiệt thòi của nông dân để việc thực hiện liên kết trong sản xuất được bền vững”.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn