Hiệu quả bước đầu từ việc trồng rau màu trong nhà lưới

Cập nhật ngày: 13/10/2016 06:11:42

Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thời gian qua, nông dân huyện Thanh Bình đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất. Trong đó, việc trồng rau màu trong nhà lưới của Hợp tác xã  nông nghiệp (HTXNN) Tân Bình, xã Tân Bình là một trong những mô hình đã và đang mang lại hiệu quả đáng kể cho nông dân.

Mô hình nhà lưới ươm giống cây con của HTXNN Tân Bình được xây dựng và đưa vào hoạt động giữa năm 2015 với diện tích 1.000m2, do tỉnh đầu tư. Đây cũng là mô hình sản xuất cây giống hoa màu tiêu biểu ở đồng bằng sông Cửu Long được nông dân đánh giá cao trong thời gian qua. Hiện nhà lưới đang ươm giống các loại để cung cấp cho các hộ trồng ớt trong và ngoài địa phương. Thời điểm chúng tôi đến tham quan là lúc công việc ươm cây giống của HTX diễn ra được 2 tháng. Thế nhưng, HTX đã cung ứng ra thị trường khoảng 600.000 cây ớt giống. Với giá bán 350 đồng/cây, sau khi trừ chi phí, HTX còn lời 80 đồng/cây.

Do được ươm trong nhà lưới nên bọ trĩ và các loại sâu bệnh khác không thể xâm nhập gây bệnh cho ớt giống. Mặt khác, vì được cách ly mặt đất nên cây phát triển tốt, hạn chế được bệnh khảm nên giống ớt tại HTXNN Tân Bình được nông dân trồng ớt trong vùng ưu tiên lựa chọn. Đến nay, nhà lưới HTXNN Tân Bình đã cung ứng cho thị trường hơn 1,6 triệu cây ớt giống với tổng doanh thu 560 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi 128 triệu đồng, số lãi này thấp gần một nửa so với lượng ớt giống sản xuất theo kiểu truyền thống. Nguyên nhân do ớt giống của HTX chủ yếu dùng để bán với giá hỗ trợ cho bà con để phát triển sản xuất. Từ nay đến cuối vụ, HTX sẽ phấn đấu sản xuất thêm 600.000 cây ớt giống để đạt chỉ tiêu 1,2 triệu cây trong năm 2016. Hiện tại, HTX đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của nông dân trong và ngoài tỉnh, nhưng HTX chưa đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, trong thời gian tới, HTX sẽ mở rộng diện tích nhà lưới thêm khoảng 800m2, nhằm phục vụ nhu cầu ớt giống cho người dân. Theo tính toán của HTX, để có diện tích này thì HTX cần phải đầu tư gần 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của HTX là do thiếu vốn, ông Phan Trung Chính - Giám đốc HTX NN Tân Bình cho biết: “Giá cả cây giống làm ra HTX đã có hỗ trợ cho bà con, nếu hỗ trợ thì thu nhập của dịch vụ này rất thấp (thuận lợi thì HTX thu lãi được khoảng 80 đồng/cây con). Từ đó, việc tích lũy đem lại không được nhiều. Cho nên muốn mở rộng nhà lưới cần số vốn khá lớn, vì vậy rất cần phải có sự quan tâm của tỉnh, huyện để hỗ trợ cho HTX mở rộng nhà lưới”.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Bình, đề án xin mở rộng diện tích nhà lưới của HTXNN Tân Bình đã được UBND huyện phê duyệt và được ghi vốn vào đầu năm 2017. Với sự quan tâm của các ngành, các cấp và UBND huyện, nhà lưới Tân Bình sẽ sớm có điều kiện mở rộng hoạt động để góp phần tăng sản lượng, nâng chất lượng nông sản cũng như đóng góp tích cực trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

TRẦN BẢNH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn