Duy trì, phát triển các nghề nông thôn, tạo thu nhập ổn định cho người dân

Cập nhật ngày: 10/10/2016 09:37:56

ĐTO - Từ năm 2010 đến nay, UBND tỉnh, Sở Công Thương đã triển khai, thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn thông qua các chương trình hỗ trợ trang thiết bị máy móc, đào tạo nghề cho lao động nông thôn..., tạo điều kiện cho người dân có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.


Cơ sở sản xuất khô Út Á sẽ đầu tư hệ thống sản xuất sau khi được hỗ trợ kinh phí

Năm 2010, toàn tỉnh có 44 làng nghề với hơn 10.000 hộ tham gia sản xuất, giải quyết việc làm hơn 25.000 lao động. Nhằm khôi phục các làng nghề, ngành nghề đã có, phát triển thành làng nghề, ngành nghề phù hợp với địa phương, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội mở các lớp đào tạo nghề nông thôn tại các cụm, tuyến dân cư trong toàn tỉnh, tạo thu nhập cho các chị em trong thời gian nhàn rỗi. Hoạt động liên kết đào tạo nghề đã triển khai tại 45 cụm dân cư, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động. Chị Nguyễn Thị Thúy ở tuyến dân cư ấp 4, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười cho biết, ngoài làm ruộng, nhiều năm qua, chị làm nghề đan lục bình gia công tại nhà, thu nhập ổn định từ 40.000 - 50.000 đồng/ngày.

Phòng Kinh tế hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố cũng đã hỗ trợ các chủ cơ sở tham quan, học tập kinh nghiệm để duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư thiết bị sản xuất hiện đại, mở rộng quy mô, tạo việc làm cho lao động địa phương. Từ năm 2011 đến nay, từ nguồn kinh phí địa phương đã hỗ trợ một phần cho các chủ cơ sở hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, phần còn lại do chủ cơ sở tự đầu tư. Các cơ sở nhận hỗ trợ đã mở rộng sản xuất, phát triển nghề như: Tổ hợp tác đan bội xã Mỹ An Hưng B; Cơ sở sản xuất nhang Sa Rài, thị trấn Sa Rài; Cơ sở sản xuất ghế nhựa và đan gia công Lê Văn Pha - xã Tân Phú, huyện Thanh Bình; Cơ sở sản xuất khô Út Á, khóm Sở Thượng, phường An Lạc, TX.Hồng Ngự... Nhiều năm sống với nghề làm khô, giờ được hỗ trợ đầu tư kinh phí, bà Nguyễn Thị Phương - chủ Cơ sở sản xuất khô Út Á cho biết: “Thị trường tiêu thụ khô của cơ sở là trong và ngoài tỉnh, vì vậy được hỗ trợ kinh phí tôi sẽ đầu tư máy sấy khô để sản phẩm tốt hơn, đủ sức cạnh tranh với các cơ sở khác về chất lượng. Cơ sở tạo việc làm cho 10 - 15 lao động/ngày, làm các công việc như sơ chế cá, phơi cá, mang đi tiêu thụ...”.

Từ năm 2011 - 2016, Sở Công Thương, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư bảo tồn làng nghề, ngành nghề nông thôn theo hướng nâng cao năng suất, quy mô, chất lượng sản phẩm qua việc đào tạo nghề nông thôn cho người dân tại các địa phương. Qua đó, có 47 lớp đào tạo nghề được mở cho người dân tại cụm, tuyến dân cư gồm: đan lục bình, giỏ xách, ghế nhựa, may gia đình,... với hơn 1.300 học viên theo học, tạo thu nhập từ 30.000 - 60.000 đồng/ngày; hỗ trợ 58 doanh nghiệp, cơ sở, làng nghề đầu tư máy móc, trang thiết bị hoàn thiện quy mô sản xuất, mang đến cơ hội việc làm cho người lao động tại địa phương. Năm 2016, các Trung tâm dạy nghề, Phòng Kinh tế và Hạ tầng chủ động phối hợp với đơn vị tiếp tục mở các lớp nghề mang lại thu nhập cao cho người lao động; quan tâm đến việc đào tạo nghề cho người dân sống tại cụm, tuyến dân cư; tạo điều kiện cho cơ sở, hộ kinh doanh tiếp cận với các nguồn quỹ, vốn vay giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo để mở rộng sản xuất...

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn