Xã Mỹ Long

Đổi thay nhờ những cây trồng mới

Cập nhật ngày: 04/06/2019 05:48:10

ĐTO - Với lợi thế đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, nông dân xã Mỹ Long không chỉ khai thác lợi thế hiện có mà còn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các cây trồng mới vào sản xuất. Nhờ đó giúp nhà vườn tăng thu nhập, nâng cao giá trị kinh tế... làm giàu trên mảnh đất quê hương.


Cô Hương bên vườn sầu riêng của gia đình

Sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Gia đình cô Phan Thị Ngọc Hương ở ấp 1, xã Mỹ Long là một trong những hộ tiên phong đưa giống sầu riêng về trồng tại địa phương, mang lại hiệu quả đáng kể cho gia đình. Theo tính toán, với 10 công sầu riêng 20 năm tuổi, mỗi năm, vườn sầu riêng của cô cho thu nhập gần 500 triệu đồng.

Cô Hương cho biết, cách đây hơn 20 năm khi còn công tác trong ngành công an, cô đã có dịp đi đến các địa phương canh tác sầu riêng. Thấy được hiệu quả kinh tế mang lại của loại nông sản này nên cô tìm tòi, mua giống về trồng trên khu vườn của gia đình. Trong thời gian đầu canh tác, cô Hương gặp không ít khó khăn do thổ nhưỡng nơi đây là đất phèn không thuận lợi cho cây sầu riêng phát triển. Tuy nhiên, qua tìm tòi học hỏi, nhất là việc áp dụng quy trình canh tác hữu cơ trên cây nên vườn sầu riêng của cô đạt hiệu quả khá cao. Đến thời điểm hiện tại, tất cả sản phẩm đã được một công ty tại Tiền Giang bao tiêu đầu ra, với giá thấp nhất 42.000 đồng/kg, cao nhất lên đến hơn 60.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, cô Hương thu lãi trên 400 triệu đồng/năm.

Từ mô hình trồng cây sầu riêng cho lãi cao của cô Hương, nhiều bà con trong xã đến học hỏi quy trình sản xuất để canh tác loại nông sản này. Đến nay, toàn xã có trên 10 hộ trồng sầu riêng, với diện tích hơn 20ha.

Ông Vương Quốc Phong - Trưởng Ban Tuyên giáo xã Mỹ Long cho biết, đến nay, địa phương có nhiều nhà vườn chuyển sang mô hình trồng sầu riêng. Đa số các nhà vườn đều trồng rất hiệu quả, mỗi hecta sầu riêng đạt lãi trên 400 triệu đồng. Để phát triển theo hướng ổn định, hiện địa phương đã ra mắt Tổ hợp tác trồng sầu riêng vào cuối tháng 5, do cô Hương làm Tổ trưởng. Trên cơ sở đó, địa phương sẽ vận động, khuyến khích bà con phát triển sầu riêng theo hướng sạch đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng”.


Du khách đến tham quan vườn măng cụt của ông Võ Văn Phục ở xã Mỹ Long

Trồng măng cụt kết hợp với du lịch sinh thái

Không chỉ có sầu riêng bén duyên với vùng đất Mỹ Long mà một số hộ gia đình còn phát triển trồng cây măng cụt thay thế các cây trồng kém hiệu quả. Đơn cử như gia đình ông Võ Văn Phục ở ấp 1, xã Mỹ Long vừa phát triển mô hình trồng cây măng cụt kết hợp làm du lịch sinh thái, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Võ Văn Phục chia sẻ: “Hơn 10 năm trước, xã Mỹ Long là vùng đất chuyên canh trồng xoài, tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa cao bởi giá nông sản bấp bênh. Tình cờ trong một lần đi đám cưới tại Sóc Trăng, thấy nhà nào cũng khang trang nhờ trồng măng cụt nên tôi quyết định về cải tạo 1,2ha vườn để trồng loại cây ăn trái này”.

Đến nay, sau hơn 6 năm canh tác măng cụt theo hướng hữu cơ, hàng năm, vườn ông Phục thu được khoảng 3 tấn trái, giá bán dao động từ 45 ngàn - 50 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí, gia đình ông Phục thu nhập trên 150 triệu đồng. Ngoài trồng măng cụt lấy trái, ông Phục còn kết hợp làm du lịch sinh thái với tên “Điểm tham quan vườn trái cây Minh Phát”. Dù mới đi vào hoạt động từ tháng 4/2018 nhưng mô hình đã thu hút hàng trăm lượt khách đến tham quan, thưởng thức trái cây tại vườn.

Theo ông Vương Quốc Phong, việc phát triển các loại cây trồng mới theo hướng sạch, an toàn cùng với việc đa dạng các loại hình kinh tế khác là hướng đi mà các nhà vườn trên địa bàn xã hướng đến. Đây được xem là những cách làm hiệu quả của nhà vườn nhằm nâng cao giá trị kinh tế, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đồng hành cùng nhà vườn, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con tham gia vào các tổ hợp tác, hội quán nông dân, gặp gỡ, trao đổi với các nhà khoa học, ngành chuyên môn để nâng cao kỹ thuật canh tác và đề xuất những hỗ trợ cần thiết trong việc phát triển sản xuất.

MỸ NHÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn