Hãy chung tay, sẵn sàng chống dịch tả heo Châu Phi

Cập nhật ngày: 29/05/2019 16:07:59

ĐTO - Tính đến ngày 27/5, toàn tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra 4 ổ dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) tại 4 huyện: Tân Hồng, Tháp Mười, Lai Vung, Lấp Vò, tổng đàn heo bị chết và mắc bệnh là 226 con. Theo dự báo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tình hình DTHCP sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp vì một bộ phận người dân vẫn chưa ý thức hết mức độ nguy hiểm của loại dịch bệnh này. Buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ các sản phẩm thịt heo bị nhiễm dịch bệnh, không rõ nguồn gốc là những nguyên nhân chính khiến cho tình trạng DTHCP diễn biến phức tạp.


Người chăn nuôi phải tiêu độc, sát trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi mỗi ngày

Dịch tả heo Châu Phi đang diễn biến phức tạp

Sau đợt dịch heo tai xanh cách đây 10 năm, có lẽ người chăn nuôi heo chưa bao giờ rơi vào tình trạng “ngồi trên chảo lửa” như hiện nay. Chưa có vắc-xin phòng trị, vi-rút lưu tồn khá lâu trong môi trường, lây lan nhanh bằng nhiều con đường và gây chết 100% chính là những vấn đề làm cho người chăn nuôi heo quan ngại nhất đối với loại dịch bệnh nguy hiểm này.

Theo công bố của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Tháp, ngày 21/5, bệnh DTHCP phát hiện xảy ra tại 4 hộ chăn nuôi heo ở ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng với tổng đàn 187 con. Trong vòng chưa đầy 1 tuần, DTHCP liên tiếp được phát hiện tại nhiều huyện khác trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, ngày 24/5, dịch bệnh xảy ra trên đàn heo của ấp Mỹ Thị, xã Mỹ An, huyện Tháp Mười, tổng đàn 26 con, mắc bệnh 12 con, chết 6 con. Cùng ngày, DTHCP cũng bùng phát tại huyện Lai Vung xảy ra trên đàn heo của ấp Long Thuận, xã Long Hậu, tổng đàn là 9 con. Sang ngày 25/5, dịch bệnh tiếp tục xảy ra trên đàn heo của ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tổng đàn là 4 con. Theo dự báo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Tháp, nếu người dân vẫn còn lơ là với bệnh DTHCP, vẫn còn vận chuyển, giết mổ không kiểm soát; không tuân thủ trong công tác phòng dịch tại chuồng trại thì nguy cơ dịch bùng phát trên các địa bàn còn lại là rất cao.

Ông Bạch Tuấn Kiệt - Trưởng phòng Dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Tháp cho biết, theo ghi nhận, nguyên nhân lây bệnh chính tại Đồng Tháp hiện nay yếu tố con người vẫn là nghi vấn hàng đầu. Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu kiểm soát an toàn sinh học trong chăn nuôi, chuồng trại đan xen trong các khu vực đông dân cư gần các trục lộ giao thông, giết mổ heo bệnh nhỏ lẻ tại các khu vực nông thôn... là những nguyên nhân chính khiến cho dịch bệnh lây lan nhanh trong những ngày vừa qua.

Theo số liệu của Cục Thú y, tính đến ngày 25/5, cả nước có 42 tỉnh, thành phố ghi nhận trường hợp bị DTHCP, số heo phải tiêu hủy là 1,7 triệu con, chiếm hơn 5% tổng đàn heo của cả nước. Riêng khu vực phía Nam đã có 8 tỉnh xảy ra bệnh DTHCP, đã tiêu hủy hơn 4.800 con heo mắc bệnh, chết.

Cộng đồng chung tay chống DTHCP

Sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều chỉ đạo và hướng dẫn chủ động phòng, chống DTHCP, tỉnh Đồng Tháp đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với DTHCP. Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đã triệu tập nhiều cuộc họp khẩn, chỉ đạo sâu sát đến các ngành, địa phương cần chủ động lên kế hoạch ứng phó với DTHCP tại từng địa phương.


Sử dụng thịt heo và sản phẩm thịt heo có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không giết mổ và sử dụng thịt heo chết hoặc nghi bệnh

Ngoài công tác thường xuyên tổ chức các Tháng hành động, tiêu độc, khử trùng nhằm hạn chế tối đa các mầm bệnh nguy hiểm ảnh hưởng tới đàn vật nuôi, những ngày qua, để kiểm soát tối đa việc vận chuyển heo và các sản phẩm động vật ra, vào địa phận tỉnh Đồng Tháp, ngành thú y đã phối hợp cùng nhiều địa phương lập 14 chốt chặn và 9 trạm kiểm dịch trên các trục giao thông trọng điểm của tỉnh. Túc trực 24/24 để ngăn chặn các phương tiện vận chuyển heo và sản phẩm động vật trái phép ra vào địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của ngành nông nghiệp, việc tổ chức chốt chặn, kiểm tra, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên các tuyến đường giao thông hiện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do không đủ lực lượng và thành phần tham gia tại các chốt chặn tạm thời. Ngoài các tuyến đường chính trên quốc lộ, tỉnh lộ thì còn rất nhiều các tuyến đường huyện lộ, đường nông thôn, ngõ ngách, bến đò, phà... nên khó có thể kiểm soát hết được. Song song đó, ý thức của người chăn nuôi còn hạn chế, thường có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên không chủ động mua vắc-xin tiêm phòng bệnh: tai xanh, lở mồm long móng... cũng như hóa chất tiêu độc, khử trùng để sát trùng cho chuồng trại của mình.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của DTHCP thì việc vào cuộc tham gia của cả hệ thống chính trị là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, thiết nghĩ bản thân từng người dân trong cộng đồng cũng nên chung tay cùng địa phương để dập dịch và phòng, chống DTHCP. Bởi DTHCP là loại dịch bệnh rất nguy hiểm, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng hơn bất kỳ loại dịch bệnh nào trên động vật đã từng xảy ra.

Bên cạnh đó, theo ngành chuyên môn, việc lưu tồn mầm bệnh trong môi trường tự nhiên rất lâu sẽ gây khó khăn cho việc tái đàn sau này đối với những khu vực đã xảy ra dịch. Do đó, để bảo vệ tài sản của chính mình thì bản thân mỗi người chăn nuôi cần cập nhật các kiến thức, thông tin cần thiết về việc phòng, chống đối với DTHCP. Tăng cường vệ sinh chuồng trại, thực hiện tiêu độc sát trùng hằng ngày, không để người lạ, phương tiện vận chuyển từ nơi khác tiếp cận khu vực chăn nuôi.

Khi phát hiện heo chết hoặc có biểu hiện bất thường, cần báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương gần nhất để được hỗ trợ về kinh phí và giải pháp phòng, chống. Ngoài ra, để việc kiểm soát DTHCP tốt hơn và giảm thiểu thiệt hại kinh tế thì rất cần có sự tham gia của cộng đồng. Không giết mổ, mua, bán, sử dụng thịt heo không rõ nguồn gốc hoặc bị nhiễm bệnh là giải pháp hiệu quả mà mỗi người dân có thể chung tay vì cộng đồng trong “cuộc chiến” với bệnh DTHCP.

Triệu chứng, bệnh tích của DTHCP: Heo bỏ ăn, sụt cân, ủ rủ. Sốt đột ngột và sốt cao từ 42 - 430C. Heo có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, dáng đi loạng choạng, nằm chồng lên nhau, heo nái sẩy thai. Một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng có thể có màu xanh tím. Dấu hiệu bệnh hô hấp (kiệt sức) ói, chảy máu mũi, trực tràng và một số dấu hiệu tiêu chảy.

\Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn