Công ty lương thực Đồng Tháp

Các bước chuẩn bị trước thềm hội nhập

Cập nhật ngày: 11/11/2015 12:36:10

Những năm qua, Công ty Lương thực Đồng Tháp tích cực tham gia liên kết tiêu thụ lúa, xây dựng cánh đồng lớn tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, giảm giá thành về sản xuất cũng như định hướng được thị trường đầu ra.


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát thăm quy trình sản xuất và đóng gói gạo tại công ty

Ông Trần Tấn Đức - Giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp cho biết, những năm qua, nền kinh tế nói chung còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó đáng kể nhất là lĩnh vực sản xuất và kinh doanh lương thực. Ấn Độ sau thời gian dài ngưng xuất khẩu gạo đã tham gia mạnh mẽ trở lại từ năm 2012, tiếp đến là chương trình tạm trữ của Thái Lan làm cho tồn kho luôn duy trì ở mức cao, dẫn đến nguồn cung dồi dào. Đối với các nước nhập khẩu lớn như Philippine, Indonesia... thì nhu cầu nhập khẩu giảm, có chính sách khuyến khích nông dân sản xuất để đạt mục tiêu tự cung tự cấp lương thực; thị trường Trung Quốc thiếu ổn định kể cả chính ngạch và tiểu ngạch... Từ đó, làm ảnh hưởng đến xuất khẩu cũng như lĩnh vực sản xuất kinh doanh lương thực nói chung, trong đó có Công ty lương thực Đồng Tháp.

Với những khó khăn trên, toàn thể cán bộ, công nhân viên Công ty đã đoàn kết vượt qua khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đồng thời tạo việc làm và thu nhập cho người lao động tại đơn vị. Song song đó, thời gian qua, Công ty cũng tích cực thực hiện các chương trình hỗ trợ về phát triển nông nghiệp nông thôn như: thực hiện chương trình thu mua tạm trữ giúp ổn định giá lúa tại thời điểm thu hoạch rộ và góp phần tiêu thụ lúa kịp thời cho nông dân, tham gia liên kết tiêu thụ lúa, xây dựng cánh đồng lớn. Qua đó giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, giảm giá thành về sản xuất cũng như định hướng được thị trường đầu ra, góp phần an sinh xã hội cho tỉnh nhà.

Xuất khẩu gạo thời gian qua gặp nhiều khó khăn, giao dịch trầm lắng, giá giảm liên tục. Tuy nhiên, đến cuối tháng 9 vừa qua đã có tín hiệu tốt trở lại, đây là tin vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và cũng là tin vui cho nông dân. Đó là Việt Nam đã ký hợp đồng bán 450 triệu tấn gạo cho Philippine và 1 triệu tấn cho Indonesia, cụ thể giá lúa gạo vừa qua đã tăng từ 400 - 500 đồng/kg. Đặc biệt, theo dự báo thời gian tới, hiện tượng El nino, hạn hán vẫn còn tiếp diễn ở các nước Đông Nam Á. Khi đó các nước xuất khẩu sẽ giảm diện tích trồng lúa, sản lượng và khả năng xuất khẩu sẽ giảm theo. Các nước nhập khẩu và tự cung tự cấp lương thực sẽ tăng cường nhập khẩu vì lý do trên. Từ đó khả năng trong tương lai mặt bằng về giá xuất khẩu sẽ tạo thành giá mới có lợi cho những nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Đây là yếu tố tích cực giúp tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời qua đó cũng tạo sự an tâm cho việc xuống giống vụ đông xuân 2015-2016.

Ngoài những tín hiệu tích cực nêu trên, cuối năm nay Việt Nam bắt đầu hội nhập sâu vào Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Chính phủ đã đàm phán thành công Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm 12 quốc gia thành viên có dân số khoảng 800 triệu người, GDP chiếm 40% của cả thế giới và chiếm 26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu. Đây là điều kiện để nước ta mở rộng thêm thị trường tiêu thụ hàng hóa, các loại nông sản chất lượng cao, qua đó gia tăng được sản phẩm nông nghiệp, trong đó có mặt hàng gạo. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh lương thực nói chung do phải chịu sự cạnh tranh và các rào cản kỹ thuật, trong đó đáng kể nhất là về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy nếu thiếu sự chuẩn bị sẽ dễ dẫn đến thất bại, hay nói cách khác sẽ thua trên sân nhà.

Ông Trần Tấn Đức cho biết thêm: Công ty Lương thực Đồng Tháp đã có bước chuẩn bị như: đầu tư xong nhà máy chế biến gạo cao cấp đạt chuẩn HACCP và các tiêu chuẩn quốc tế khác như BRC và SA 8000. Qua đó, kết hợp với việc đầu tư vùng nguyên liệu để quản lý tốt các dư lượng hóa chất nhằm cho ra sản phẩm có chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, nhất là các nước thành viên TPP và ATIGA. Về việc phát triển gạo thương hiệu, trước mắt 3 sản phẩm gạo cao cấp của công ty là Kim Sa, Hương Tràm và Sếu Đỏ đã được phân phối tiêu thụ trên 40 siêu thị trong cả nước. Bước đầu khách hàng đã chấp nhận sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nhà. Đây là điều kiện để Công ty định hướng và liên kết sản xuất cho nông dân trong tỉnh thời gian tới.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn