8x khởi nghiệp bằng tình yêu với nghề làm hoa giấy

Cập nhật ngày: 27/02/2018 06:37:54

ĐTO - Tìm đến với nghề làm hoa giấy như một cơ duyên, nhưng khi gắn bó lâu dài, chị Huỳnh Như Trúc (sinh năm 1986) cảm thấy yêu mến và xem công việc này như liều thuốc để cân bằng cuộc sống...


Các sản phẩm hoa trang trí trong đời sống của chị Trúc mang nét đặc trưng riêng, được nhiều khách hàng ưa chuộng

Gặp chị Trúc tại shop Handy House, nơi chị gắn bó với công việc hơn 1 năm nay, trong căn phòng ấm cúng, chị chia sẻ với chúng tôi về mối duyên đến với nghề làm hoa giấy. Chị bảo, nhờ hoa giấy mà cuộc sống của chị được cân bằng, vui vẻ...

Chị Trúc chia sẻ, chị vốn có công việc chuyên môn thuộc ngành tài chính ngân hàng. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành năm 2008, chị làm nhiều công việc ở Sài Gòn, từng là nhân viên Sacombank Đồng Tháp và nhân viên của một công ty thủy sản ở Cần Thơ. Tuy nhiên, như một sự đẩy đưa của số phận, vì hoàn cảnh gia đình, chị phải nghỉ việc về chăm sóc gia đình. Chị Trúc tâm sự, mỗi công việc đều giúp cho chị có một sự trải nghiệm, để nhìn nhận lại chính mình nhiều hơn.

Rẽ sang con đường làm hoa giấy cũng là một cơ duyên đến với chị. “Trong lúc tâm trạng đang rối bời lại thêm eo hẹp kinh tế, tình cờ lướt trên mạng thấy nhiều bạn trẻ làm hoa bằng giấy nên mình mua giấy về làm thử. Thật sự lúc đó chỉ còn 500 ngàn đồng trong túi, mình phải mượn thêm bạn bè để mua nguyên liệu. Làm xong mình đăng lên facebook chia sẻ cho bạn bè xem thử. Thấy sản phẩm mình làm cũng đẹp và biết được hoàn cảnh của mình đang khó khăn nên bạn bè ủng hộ, khuyến khích, dần dần mình không thể tách rời với hoa giấy” - chị Trúc kể.

Chọn online là hình thức kinh doanh chủ yếu nên lúc đầu ngoài việc đăng lên trang cá nhân trang facebook, zalo, instagram, chị còn tham gia các trang, crop hội những người yêu hoa handmade, hoa giấy. Đây cũng là điều kiện để chị học hỏi, phát triển sản phẩm rộng rãi hơn. Chị nghĩ nếu làm đơn độc thì chỉ như “ếch ngồi đáy giếng” không thể phát triển sản phẩm được. Sau khi vào các crop này, chị tham gia hoạt động khá tích cực như viết bài, góp ý các sản phẩm và được các anh chị đi trước trong hội góp ý; chỉnh sửa cách làm hoa, cách bán... Nhờ vậy, chị dần hoàn chỉnh sản phẩm cũng như mẫu mã hợp xu thế, nhờ đó sản phẩm của chị được đánh giá là hàng cao cấp và được khách hàng ưa chuộng.

Ngoài kinh doanh hình thức online, tháng 11/2016, chị Trúc còn mở thêm shop Handmade tại số 7, đường Phù Đổng, TP.Cao Lãnh để trưng bày sản phẩm và giới thiệu đến người tiêu dùng. Hiện shop có 2 dòng sản phẩm chính gồm hoa trang trí trong đời sống và hoa bản sắc. Trong đó, hoa trong đời sống là trang trí hoa cưới, hoa cầm tay cô dâu, đặc biệt sản phẩm của chị làm theo mẫu hoa nước ngoài phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Riêng hoa mang bản sắc, chị tập trung vào hoa thế mạnh của Đồng Tháp là hoa sen, trong đó dòng tranh gạo 3D đang rất được ưa chuộng.

Chị Trúc cho biết thêm, cơ duyên và một sự trùng hợp khi năm 2017 chị dự thi cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh Đồng Tháp và đạt được giải 3 với dự án “Hoa giấy và ứng dụng mặt hàng thủ công trong đời sống và bản sắc văn hóa”. Qua cuộc thi khởi nghiệp, chị có thêm nhiều bạn bè cùng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để phát triển sản phẩm. Đặc biệt, chị có mentor là anh Phạm Duy Hiếu – Giám đốc Quỹ khởi nghiệp Việt Nam, anh như người thầy, người bạn hỗ trợ chị trong tất cả các phương diện, nhất là động viên tinh thần để chị duy trì niềm đam mê với hoa giấy.

Hiện tại với sản phẩm hoa giấy, chị Trúc đang hướng đến cung cấp cho các doanh nghiệp, ban, ngành trong tỉnh sản phẩm hoa bản sắc – hoa sen với các dòng sản phẩm như: tranh 3D, sản phẩm quà tặng đặc trưng của tỉnh. Song song đó, chị còn dự định mở thêm lớp hướng dẫn làm hoa giấy cho những người yêu thích dòng sản phẩm này. Chị còn tham vọng sẽ tiếp tục mở rộng các lớp làm hoa hướng dẫn các em nhỏ nhằm giáo dục cho các em tính khéo léo, sáng tạo và tiết kiệm.

Hiện tại với mô hình kinh doanh của mình, shop handmade của chị cho thu nhập 30 - 40 triệu đồng/tháng (3 tháng gần đây nhất). Nhưng chị vẫn ước ao được tiếp sức để mở rộng dự án và có thêm không gian rộng rãi để trưng bày sản phẩm handmade của mình. “Ngay từ lúc khởi nghiệp, mình vẫn ao ước có một phòng tranh và work shop đúng nghĩa để bạn bè, khách hàng đến tham quan, thưởng thức, đồng thời có thể tham quan quy trình làm, cùng tham gia, cùng yêu thích và cảm nhận được tâm tư trong sản phẩm mình làm ra. Bởi mình không chỉ muốn bán sản phẩm mà còn là bán cái giá trị tinh thần trong sản phẩm đó” – chị Trúc tâm huyết chia sẻ.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn