Hiệu quả trong liên kết đào tạo tại chỗ

Cập nhật ngày: 11/05/2016 13:12:31

Đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, nhiều đơn vị đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp trong tỉnh đã thực hiện các chương trình liên kết đào tạo hệ vừa học, vừa làm, hệ liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, đại học.


Học viên nhận Bằng tốt nghiệp theo chương trình liên kết đào tạo

Trong lĩnh vực y tế, Trường Cao đẳng Y tế (CĐYT) là đơn vị có ưu thế trong việc đào tạo nguồn nhân lực y tế với hình thức liên kết đào tạo. Bên cạnh việc đào tạo đội ngũ cán bộ y tế phục vụ cho tỉnh, trường còn liên kết với Đại học Y tế Công cộng mở các lớp đại học, cao học chuyên ngành y tế công cộng, quản lý bệnh viện thu hút nhiều học viên tại các tỉnh trong khu vực tham gia học. Mỗi lớp học có trên 60 học viên, giáo viên được thỉnh giảng từ các đơn vị trường đảm bảo thời lượng, chất lượng giảng dạy theo quy định.

Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp cũng chủ động liên kết với trường đại học mở các lớp đào tạo với các chuyên ngành: kế toán, quản trị kinh doanh, ngân hàng, quản lý đất đai, bác sĩ thú y, kinh tế xây dựng, cử nhân luật, báo chí, văn thư, lưu trữ, công nghệ thông tin... Trước nhu cầu học tập của học viên tại các địa phương, Trường Cao đẳng Cộng đồng vẫn đang chiêu sinh mở các lớp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng thuộc hệ vừa học vừa làm; các lớp liên kết đào tạo liên thông từ trung cấp nghề, sang trung cấp chuyên nghiệp; các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn về các lĩnh vực nông nghiệp, ngoại ngữ, tin học... Ngoài ra, các đơn vị trường trung tâm dạy nghề - giáo dục thường xuyên cũng có các chương trình liên kết đào tạo theo phạm vi quy định.

Về phía các đơn vị liên kết đào tạo, các Trường Đại học: Y tế Công cộng Bạc Liêu, Trà Vinh, Nguyễn Tất Thành, Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM..., được UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tạo điều kiện để phối hợp, tạo điều kiện giảng dạy tại Đồng Tháp. Đa số các đơn vị liên kết đào tạo tại Đồng Tháp đều khá hài lòng với điều kiện cơ sở vật chất, quy chế phối hợp. Các trường đã liên kết mở các nhóm ngành quản lý bệnh viện, kế toán, kiểm toán, điều dưỡng, hộ sinh, văn thư lưu trữ, bảo tàng, công nghệ, kỹ thuật kiến trúc, công trình, thông tin, thư viện, đào tạo giáo viên... Tận dụng điều kiện liên kết đào tạo để nâng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại địa phương, ngành GD&ĐT, y tế chủ động đặt hàng, tìm đơn vị liên kết để đào tạo chuẩn năng lực cho cán bộ ở các lĩnh vực: ngoại ngữ, y tế, văn thư lưu trữ. Hình thức liên kết đào tạo theo dạng này giúp giáo viên, nhân viên trong ngành giáo dục, y tế bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn; tiết kiệm thời gian, chi phí...

Bên cạnh những thuận lợi, vấn đề liên kết đào tạo gặp một số khó khăn như: thông tin về công tác tuyển sinh vẫn còn khá ít (do kinh phí đơn vị hạn hẹp nên không thể thông báo trên các phương tiện truyền thông); một số ngành nghề mở chưa phù hợp với nhu cầu của xã hội, việc mở lớp khá xa nơi ở, việc học tập vất vả nên học viên chưa đăng ký tham gia học tập...

Đáp ứng nhu cầu liên kết đào tạo trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy định về liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học với mục đích tạo cơ hội học tập cho nhiều người trên cơ sở đảm bảo chất lượng, hiệu quả giáo dục, thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội, huy động tiềm năng của các trường nhằm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương. Sở GD&ĐT tổ chức thanh, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên kết đào tạo tại địa phương, chủ động giám sát, phối hợp xử lý nếu phát hiện sai phạm. Để tuyển sinh học viên tham gia học tập, các đơn vị trường thực hiện tăng cường công tác thông tin đến người dân; chủ động chọn đơn vị uy tín để liên kết, đảm bảo các chính sách, chất lượng học tập cho học viên đang theo học tại các lớp liên kết đào tạo.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn