Bạo lực học đường xảy ra do đặc điểm sinh lý lứa tuổi và môi trường giáo dục chưa tốt

Cập nhật ngày: 29/01/2016 13:13:39

Thời gian qua, tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) có xu hướng xảy ra ở nhiều nơi, gây bất an cho xã hội. Để làm rõ nguyên nhân dẫn đến BLHĐ, phóng viên Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Trần Văn Thọ - Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính, giảng viên bộ môn Tâm lý giáo dục Trường Đại học Đồng Tháp.


Thạc sĩ Trần Văn Thọ

Phóng viên (P.V): Thưa Thạc sĩ, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ BLHĐ ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh (HS) và tạo dư luận không tốt trong xã hội. Vậy, theo Thạc sĩ đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Thạc sĩ Trần Văn Thọ (Ths T.V.T.): BLHĐ xảy ra không riêng ở Đồng Tháp mà là hiện tượng chung của cả nước. Theo tôi, nguyên nhân đầu tiên là do đặc điểm sinh lý lứa tuổi HS ở bậc trung học (THCS và THPT) đang phát triển. Trong giao lưu với bạn bè, các em thường “thích” khẳng định “vai trò, vị trí” của mình, tâm lý thích tự khẳng định “cái tôi trưởng thành” của bản thân, nhu cầu khẳng định của các em trong lứa tuổi này rất cao, lòng tự trọng và danh dự bản thân dễ bị tổn thương nhưng do kinh nghiệm và vốn sống chưa có nên các em giải quyết các mâu thuẫn với nhau rất trẻ con. Ví dụ như có thể đánh nhau vì thấy ghét, vì học giỏi hoặc do “đẹp mà chảnh”, đánh bạn là để “dằn mặt nó vì có chuyện gì cũng đi mách cô giáo”... Điều đáng nói là không chỉ đối với HS nam, mà HS nữ đánh nhau do mâu thuẫn, do yêu sớm nên ghen tuông; đánh nhau theo kiểu “hội đồng” rồi quay phim đưa lên mạng như là một “chiến tích”.

Nguyên nhân thứ hai là do ảnh hưởng của cơ chế thị trường và những mặt tiêu cực trong đời sống xã hội. Hiện nay, môi trường sống của các em có điều kiện thuận lợi để phát triển hơn lứa tuổi trước đây, song những ảnh hưởng tiêu cực cũng tác động nhiều đến các em, như phim ảnh bạo lực, nghiện game online hoặc có thể dễ dàng sở hữu, sử dụng những vật liệu gây thương tích như dao để giải quyết mâu thuẫn.

Nguyên nhân thứ ba là do giáo dục từ môi trường gia đình. Sự thiếu quan tâm, hoặc quan tâm không đúng mức của các bậc cha mẹ. Hành động bạo lực nghiêm trọng như đe dọa, đánh nhau hoặc sử dụng hung khí tấn công bạn học tập trung cao ở những HS mà gia đình có vấn đề như: bố mẹ thường xuyên cãi nhau, ly hôn, bố/mẹ mất hoặc không sống chung với bố mẹ. Gia đình là môi trường giáo dục quan trọng, nhưng nhiều bậc phụ huynh do bận rộn mưu sinh đã giao nhiệm vụ giáo dục con em lại cho nhà trường. Qua nghiên cứu người ta nhận thấy, chỉ có 15,7% cha mẹ biết cách giáo dục con cái đúng mực và có văn hóa khi thấy con đánh nhau thì “khuyên bảo nhẹ nhàng và bắt con xin lỗi bạn”. Trong khi đó, 41,7% cha mẹ sử dụng hình thức bạo lực (chửi mắng, đánh) để đối xử với hành vi bạo lực của con cái. Chính điều này đã đẩy con cái mình trượt tiếp trên con đường bạo lực.

Nguyên nhân thứ tư là từ phía nhà trường, do quá chú tâm giáo dục về mặt tri thức hàn lâm mà ít quan tâm đến giáo dục nhân cách, đạo đức cho các em. Sự thiếu hụt trong giáo dục đạo đức, kỹ năng sống của nhà trường khi các biện pháp giáo dục pháp luật đạo đức chưa gắn với thực tế và sát với các giải pháp quản lý các HS chưa ngoan. Nhất là trong giai đoạn xã hội phát triển hiện nay, những kỹ năng sống và kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, bất đồng của trẻ được giáo dục quá hạn chế. Cho nên HS thiếu kỹ năng sống, thiếu cách giải quyết ổn thỏa những mâu thuẫn, những bất cập của bạn bè với nhau.

Tóm lại, BLHĐ không chỉ làm tương lai của các em bị ảnh hưởng mà gánh nặng tâm lý với chính bản thân các em và cả gia đình sẽ trở nên trầm trọng hơn. Việc HS đánh nhau là hành vi tiêu cực, để lại hậu quả không tốt cả về thể chất và tâm lý cho các em. Nó làm các em lo lắng, những đứa trẻ bị bạo lực, thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp...

P.V: Với nguyên nhân thứ tư là việc giáo dục tri thức phải gắn liền với giáo dục đạo đức. Thạc sĩ có thể cho biết những bất cập trong việc giáo dục đạo đức trong nhà trường hiện nay là gì?

Ths T.V.T.: Tôi nghĩ chương trình giáo dục hiện nay chúng ta dạy quá nhiều tri thức hàn lâm mà không dạy những điều đạo đức.

Cụ thể như trong chương trình môn Giáo dục công dân ở THCS lại dạy nghĩa vụ của công dân trong việc đóng thuế, dạy về tình yêu, hôn nhân và gia đình, tôi cho rằng dạy như thế là hơi sớm, nó không ổn chút nào. Bởi vì lứa tuổi này các em chưa đi vào đời sống xã hội, các em chưa mở doanh nghiệp hoặc buôn bán. Tôi thấy lứa tuổi đó cần dạy cho các em những kỹ năng sống như khả năng kiềm chế, tự chủ, rồi ứng xử văn hóa giao tiếp bạn bè với nhau thế nào là tốt thì chúng ta lại ít đề cập trong chương trình. Cho nên ở một góc độ nào đó thì đây là một hạn chế của chương trình giáo dục trong nhà trường.

P.V: Xin Thạc sĩ cho biết giải pháp nào có thể hạn chế tình trạng BLHĐ diễn ra?

Ths T.V.T.: Để có thể ngăn ngừa và khắc phục hiện tượng BLHĐ, tôi nghĩ chúng ta cần phải thực hiện một cách đồng bộ nhiều giải pháp chứ không phải riêng ngành giáo dục.

Chúng ta phải thực hiện triệt để công tác xã hội hóa giáo dục. Lâu nay chúng ta có thực hiện xã hội hóa giáo dục nhưng chỉ thiên về góc độ huy động về tài chính nhằm xây dựng cơ sở vật chất giúp cho ngành giáo dục phát triển thôi chứ chưa huy động các tổ chức xã hội và lực lượng phụ huynh tham gia vào công tác giáo dục để giáo dục trở nên đồng bộ và không mâu thuẫn. Chưa kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác tham gia trong việc giáo dục trẻ.

Biện pháp thứ hai là phải làm sao phát huy triệt để chức năng giáo dục của các tổ chức chính trị xã hội trong nhà trường, cần tăng cường các hoạt động đoàn hội để HS tự tin phát huy được khả năng của mình, có cơ hội chia sẻ và bày tỏ cảm xúc, nhất là phòng tham vấn tâm lý học đường; xây dựng môi trường học thân thiện để ngăn chặn nạn BLHĐ; người thầy cần quan tâm lắng nghe để hiểu HS và đưa ra hình thức kỷ luật, giáo dục hợp lý cho từng hoàn cảnh nhưng phải đảm bảo sự công bằng, nhất quán với mọi đối tượng...

Thông thường khi có hiện tượng tiêu cực xảy ra thì chúng ta mới cử Thanh tra đến xử lý. Thế thì tại sao không phát huy hết chức năng của các cơ quan giáo dục. Ví dụ trong nhà trường có lực lượng Thanh tra, các Phòng giáo dục, Sở Giáo dục cũng có các tổ chức thanh tra, chúng ta cần phát huy mạnh mẽ việc thanh tra của các tổ chức này.

Thứ ba là phải thường xuyên tổ chức các chu kỳ bồi dưỡng cho toàn thể giáo viên của ngành giáo dục, kể cả cấp quản lý để nâng cao nhận thức, vai trò của người giáo viên. Khi được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng, họ sẽ lồng ghép vào vấn đề giáo dục và tránh được những sai phạm.

Giải pháp thứ tư là phải xây dựng lại nội dung giáo dục để nó gắn liền với thực tiễn và khả thi trong thực tiễn. Nên loại bỏ bớt những nội dung tri thức trừu tượng, hàn lâm không có giá trị thực tiễn để đưa vào nội dung dạy học gắn liền với thực tiễn, chỉ cho HS biết được những chuẩn mực phải làm, nên làm và bồi dưỡng những tri thức về pháp luật sơ đẳng. Khi được giáo dục về những tri thức pháp luật sơ đẳng thì HS sẽ tránh được những hành vi sai và sẽ không vi phạm vào những chuẩn mực pháp luật, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

P.V: Xin cám ơn Thạc sĩ về cuộc trao đổi!

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ BLHĐ, có trường hợp HS bị bạo lực phải nhập viện điều trị. Cụ thể, trong tháng 10/2014, HS của Trường THCS Bình Tấn (Thanh Bình) và Trường THCS Vĩnh Thới (Lai Vung) đánh nhau được các cơ quan báo chí đưa tin. Đến ngày 20/3/2015, dư luận lại xôn xao với việc một nữ sinh lớp 9 của Trường THCS Phú Long (Châu Thành) bị HS cùng trường đánh hội đồng đến ngất xỉu.

Mới đây nhất vào ngày 5/1/2016, 3 nữ sinh lớp 7A4 Trường THCS Trần Quốc Toản (TP.Cao Lãnh) đã đánh hội đồng em H.T.H. học cùng lớp vì cho rằng em H.T.H. có hành vi nói xấu bạn trên Facebook, được một HS khác cùng trường quay clip đưa lên mạng internet.

Phú Thuận (Thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn