Sạt lở bờ sông ngày càng phức tạp

Cập nhật ngày: 19/10/2018 10:27:10

ĐTO - Đồng Tháp là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long với trên 158km sông Tiền và sông Hậu chảy qua. Trước diễn biến của biến đổi khí hậu và đập thủy điện ở thượng lưu, tình hình thiên tai sạt lở bờ sông xảy ra ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu đã và đang xảy ra tại 21 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố: huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Cao Lãnh, Lấp Vò, Tam Nông, Châu Thành, TX.Hồng Ngự và TP.Cao Lãnh. Các khu vực sạt lở trọng điểm gồm: bờ sông Hổ Cứ, xã Hòa An, TP.Cao Lãnh; xã Bình Thành, huyện Thanh Bình; xã An Hiệp, huyện Châu Thành; xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự. Từ đầu năm đến nay, tổng chiều dài sạt lở 26,1km, diện tích sạt lở 5,72ha. Ước thiệt hại sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu khoảng 12,62 tỷ đồng.

Toàn tỉnh có tổng số 5.978 hộ đang sinh sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở, cần phải di dời đến nơi ở mới an toàn. Trong đó, 3.538 hộ dân sinh sống trong vành đai sạt lở, cự ly từ mé bờ sông trở vào 30m; 2.440 hộ dân trong vành đai sạt lở, cự ly từ 30-60m.

Từ đầu năm đến nay, các địa phương đã vận động và hỗ trợ 116 hộ vùng sạt lở nguy hiểm di dời đến nơi an toàn; ước thiệt hại sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu khoảng 12,62 tỷ đồng. Sạt lở nội đồng đã xảy ra tại 26 xã, phường, thị trấn của các huyện: Cao Lãnh, Thanh Bình, Lấp Vò, Châu Thành, Lai Vung, Tháp Mười, Tam Nông và TX. Hồng Ngự với tổng chiều dài 2.984m, diện tích 8.526m2, ảnh hưởng trực tiếp tới 11 hộ dân, ước thiệt hại khoảng 1,56 tỷ đồng.

Ngoài ra, trước tình hình diễn biến nước lũ lên cao ngập đồng tạo sóng đánh làm sạt lở 2 bên bờ đường tuần tra biên giới. Ngày 13/9/2018, do nước lên cao kết hợp dòng chảy siết đã làm sạt lở mái taluy đường tuần tra biên giới thuộc khóm Trà Đư, phường An Lạc, TX.Hồng Ngự với chiều dài 50m, sâu vào bờ 5-10m, ảnh hưởng đến 6 hộ dân.

Nguyên nhân sạt lở chủ yếu là dòng chảy tác động vào lòng dẫn có cấu tạo nền địa chất mềm yếu và những cồn cát nổi lên ở lòng sông làm thay đổi dòng chảy ép sát bờ gây ra sạt lở. Sạt lở thường diễn ra ở những khu vực các cù lao và nơi dòng sông phân nhánh, khu vực nhập lưu của các nhánh sông, đoạn sông có luồng lạch không ổn định.

Ngoài ra, sạt lở còn do các hoạt động của con người như: khai thác cát không đúng quy định; xây dựng các công trình trái phép; neo đậu bè cá và nuôi thủy sản... Đặc biệt sạt lở trong các sông, kênh, rạch nội đồng do nền đất yếu lại xây dựng nhà ở, công trình giao thông sát bờ sông, kênh, rạch; do phương tiện giao thông thủy...

Phòng, chống và khắc phục hậu quả của sạt lở, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức theo dõi, cắm biển báo và tuyên truyền để nhân dân biết chủ động phòng tránh, lên phương án khắc phục đoạn xảy ra sạt lở đảm bảo đi lại và ổn định đời sống của người dân; hỗ trợ các hộ dân nằm trong vành đai sạt lở di dời đến nơi an toàn, đặc biệt vào các cụm, tuyến dân cư đã hoàn thành.

Ngành chức năng tổ chức nạo vét các bãi bồi để tăng diện tích mặt cắt ướt lòng dẫn, giảm tốc độ dòng chảy; tăng cường công tác, quản lý, kiểm tra, giám sát việc khai thác cát sông, đặc biệt tại các khu vực đang diễn ra sạt lở nghiêm trọng; thực hiện Dự án “Đo đạc, giám sát đánh giá ổn định bờ sông Tiền và thiết lập hành lang sạt lở tại khu vực đông dân cư và cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”... Biện pháp công trình, chương trình cụm, tuyến dân cư giai đoạn 2, tiếp tục thi công các công trình hạ tầng thiết yếu trong 53 cụm, tuyến để bố trí dân vào ở.

Đồng thời thực hiện các dự án về phòng, chống sạt lở bờ sông: xử lý khẩn cấp khắc phục sạt lở bờ sông Tiền khu vực chợ Bình Thành, huyện Thanh Bình; kè Bình Thành đến vàm Phong Mỹ sông Tiền; xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông Tiền khu vực xã An Hiệp, huyện Châu Thành; kè Thường Thới Tiền giai đoạn II nối dài 460m vốn ADB; dự án khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông Hổ Cứ, xã Hòa An, TP.Cao Lãnh.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn