TP Sa Đéc

Phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật thúc đẩy phát triển du lịch địa phương

Cập nhật ngày: 17/08/2023 05:22:28

ĐTO - TP Sa Đéc là vùng đất không những có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang, mà còn là nơi hội tụ, giao thoa, lan tỏa các giá trị văn hóa phong phú và đa dạng. Đặc biệt, TP Sa Đéc tự hào được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là thành viên “Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO” cùng những công trình kiến trúc độc đáo, di tích lịch sử - văn hóa có giá trị vẫn còn tồn tại đến hiện nay.


Du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại Khu du lịch Vườn hồng Tư Tôn (phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc)

Điển hình như Di tích Quốc gia nhà cổ Huỳnh Cẩm Thuận hay thường gọi là Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (Phường 2, TP Sa Đéc), ngoài giá trị kết hợp giữa 2 lối kiến trúc Đông - Tây, ngôi nhà còn nổi tiếng vì liên quan đến cuộc tình không biên giới của một cô gái Pháp (Marguerite Duras, về sau là nhà văn) và chàng công tử người Việt gốc Hoa (Huỳnh Thủy Lê, con trai ông Huỳnh Cẩm Thuận) giàu có vào những năm đầu thế kỷ 20. Với nền tảng quý giá đó, cùng sự quan tâm của địa phương và hỗ trợ của tỉnh, các cấp, ngành, đơn vị của TP Sa Đéc luôn ý thức sâu sắc trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn thành phố nói chung.

TP Sa Đéc đã ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội theo từng năm hoặc giai đoạn. Trong đó, chú trọng đưa giá trị văn hóa, nghệ thuật gắn với phát triển du lịch, nhất là phấn đấu để lĩnh vực du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của thành phố. TP Sa Đéc phát động hội thi nhiếp ảnh Sa Đéc vào xuân, sáng tác ca khúc về thành phố, liên hoan đờn ca tài tử, hội diễn văn nghệ quần chúng... Qua đó, có hàng trăm tác phẩm với nhiều thể loại có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, nhất là nhiều tác phẩm có chất lượng được quảng bá trên các báo, đài, mạng xã hội, góp phần giới thiệu đến du khách trong, ngoài nước về tiềm năng du lịch của địa phương.

Đồng thời tổ chức những sự kiện, lễ hội để quảng bá, phát huy nét đẹp của làng nghề Sa Đéc (làng hoa kiểng, làng bột); tạo điều kiện cho các Hội quán phát triển du lịch với phương châm “Tự lực, chia sẻ, liên kết”, “Cùng nhau xây dựng, cùng nhau quản trị, cùng nhau thụ hưởng”. Từ đó, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân thành phố phát huy ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển, ra sức phấn đấu xây dựng quê hương Sa Đéc ngày càng giàu mạnh, văn minh, đời sống Nhân dân ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

TP Sa Đéc đầu tư nâng cấp, mở rộng Công viên Sa Đéc với nhiều mô hình, tiểu cảnh mới, nổi bật là các khu vực Đảo Phụng Hoàng, giỏ hoa, thác hoa đạt kỷ lục, đài phun nhạc nước; tiếp tục chỉnh trang các tuyến đường cặp bờ kè sông Tiền, cặp sông Sa Đéc với cảnh quan và hệ thống chiếu sáng. Song song đó, thành phố trùng tu, sửa chữa, tôn tạo những di tích văn hóa - lịch sử (đình Tân Quy Tây, Xóm Rẫy Cụ Hồ, Bia Chi đội Hải ngoại Trần Phú, chùa Kiến An Cung...); bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa trong hoạt động lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian lồng ghép với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững của địa phương.

Bà Võ Thị Bình - Phó Chủ tịch UBND TP Sa Đéc, cho biết: “Hằng năm, TP Sa Đéc tổ chức lễ hội đón Tết cổ truyền của dân tộc với nhiều hoạt động đặc sắc, phong phú, kết hợp hài hòa giữa văn hóa hiện đại với văn hóa truyền thống (bắn pháo hoa, biểu diễn văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian, triển lãm...). Vì thế, TP Sa Đéc đã thu hút lượng du khách đến tham quan với số lượng ngày càng tăng. Ước tính từ năm 2011 đến nay, lượng khách du lịch đến thành phố đạt gần 4 triệu lượt khách, trong đó có hơn 280.000 lượt khách quốc tế”.

Phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật gắn với phát triển du lịch Sa Đéc ngày càng bền vững và hướng đến mục tiêu du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các cấp ủy, chính quyền của TP Sa Đéc tiếp tục quán triệt sâu rộng các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, của thành phố về xây dựng nền văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo. Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch văn hóa, phù hợp với định hướng phát triển du lịch của thành phố như hình thành, khai thác hoạt động dịch vụ du lịch văn hóa (du thuyền thưởng ngoạn cảnh quan sông nước, hoa kiểng; trải nghiệm văn hóa, ẩm thực Sa Đéc, đờn ca tài tử...) trên các tuyến phố đi bộ, sông Sa Đéc và sông Tiền. Triển khai thực hiện tốt đề án xây dựng Làng Văn hóa du lịch, chú trọng phát triển các loại hình du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm ẩm thực, nghề truyền thống (hủ tiếu Sa Đéc, các loại bánh dân gian từ bột)...

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn