Đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương

Cập nhật ngày: 15/08/2023 05:41:44

ĐTO - UBND huyện Tháp Mười đã ban hành Kế hoạch số 2201 ngày 28/4/2022 về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện tuyên truyền, lồng ghép với các nhiệm vụ trọng tâm khác của huyện. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân về phát triển du lịch nhằm quảng bá hình ảnh huyện Tháp Mười.


Du khách trong và ngoài tỉnh tham quan, trải nghiệm tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp (xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười)

Thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả, huyện Tháp Mười triển khai Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch trong hoạt động du lịch và kế hoạch mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Đồng thời ngành chức năng huyện hướng dẫn các điểm tham quan, du lịch, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh ăn uống triển khai các giải pháp thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả sau dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. Đến nay, tất cả các cơ sở, điểm, khu du lịch trở lại hoạt động phục vụ khách du lịch.

Với định hướng phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng và tâm linh, thời gian qua, huyện Tháp Mười quan tâm nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm du lịch trên địa bàn. Trong đó, tập trung phát triển các điểm du lịch gắn với sen và di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp, phát triển du lịch sinh thái gắn với chuỗi giá trị sản phẩm từ sen, đặc biệt là sản phẩm OCOP. Song song đó, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tham quan trải nghiệm tại các nhà vườn, du lịch nông nghiệp, các điểm du lịch cộng đồng tại khu du lịch Đồng Sen cũng như nghiên cứu, triển khai mô hình Chợ quê Gò Tháp, giúp đa dạng các hoạt động với các sản phẩm đặc trưng của Tháp Mười, góp phần gia tăng nguồn thu thập cho người dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, cho biết: “Công tác quảng bá, xúc tiến thu hút du khách được đẩy mạnh, nhất là sau đại dịch Covid-19. Từ đó, chỉ riêng trong 2 kỳ lễ hội (Lễ hội Vía Bà Chúa xứ, Lễ giỗ Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều) tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp thu hút gần 1,7 triệu lượt du khách khắp nơi trên cả nước về thăm viếng, tham quan trải nghiệm. Ngoài ra, nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3, lễ 30/4 và 1/5, Quốc khánh 2/9... cũng thu hút đông đảo du khách. Tổng số khách đến tham quan, du lịch trong giai đoạn 2021 - 2023 hơn 2,4 triệu khách (tăng gần 340%), doanh thu trên 192 tỷ đồng (tăng khoảng 320%) so với giai đoạn 2018 - 2020, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 200 người lao động với mức thu nhập hơn 7 triệu đồng/người/tháng”.

Các dự án kết nối giao thông được ưu tiên triển khai, kết hợp chặt chẽ, có hiệu quả, phục vụ cùng lúc nhiều mục tiêu: vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân, tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển du lịch. Hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp, thường xuyên kiểm tra và sửa chữa các tuyến đường hư hỏng, xuống cấp, đảm bảo thuận lợi cho khách du lịch đến các khu, điểm du lịch tham quan và trải nghiệm trên địa bàn huyện.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, đến nay, huyện Tháp Mười đã hỗ trợ 14 điểm du lịch cộng đồng, tổng số tiền gần 4,3 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện Tháp Mười thường xuyên phối hợp với các đoàn doanh nghiệp du lịch; các khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch tham quan, khảo sát những mô hình du lịch thế mạnh của huyện nhằm xúc tiến đầu tư, kêu gọi, liên kết xây dựng các tour du lịch.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện Tháp Mười tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá về du lịch, hình ảnh quê hương và con người Tháp Mười; kết hợp chặt chẽ truyền thông hiện đại với truyền thông truyền thống tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân, xem du lịch là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của huyện. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu về giá trị văn hóa và các sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện Tháp Mười bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng việc kết nối với các cơ quan Báo, Đài để có nhiều bài viết, phóng sự giới thiệu hình ảnh địa phương (các điểm du lịch cộng đồng, món ăn ngon, sản phẩm đặc trưng, nét đẹp văn hóa truyền thống, con người Tháp Mười). Đồng thời, xây dựng và phát triển du lịch đặc thù của huyện, khai thác có hiệu quả điều kiện tự nhiên, về lịch sử và văn hóa của huyện, tập trung phát triển loại hình du lịch có tính liên kết cộng đồng như du lịch văn hóa - lễ hội - tâm linh, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp kết hợp trải nghiệm. Đặc biệt, quan tâm phát triển du lịch sinh thái gắn với chuỗi giá trị sản phẩm từ sen, đưa hình ảnh hoa sen và các sản phẩm từ sen trở thành sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn