Có nên ăn ốc sên?

Cập nhật ngày: 28/12/2015 13:36:43

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, nhiều người dân bắt ốc sên (còn gọi là ốc ma) chế biến món ăn, bài thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, thời gian qua, tại một số địa phương khác đã xảy ra các vụ ngộ độc, trong đó có trường hợp chết người có liên quan đến món ốc sên. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Tấn Hiếu, Khoa Cấp cứu - Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp.

- Phóng viên (PV): Xin bác sĩ cho biết những năm gần đây, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp có cấp cứu trường hợp nào ngộ độc do ăn ốc, đặc biệt là ốc sên?

Bác sĩ Trần Tấn Hiếu (T.T.H.): Ngộ độc thực phẩm thường gây ra bởi 2 nhóm nguyên nhân lớn: do hóa chất và do nhiễm vi sinh vật. Ví dụ: khi ăn phải nọc cóc, bệnh nhân bị ngộ độc là do ngộ độc hóa chất bufotoxin dẫn đến các rối loạn tim mạch nặng nề có thể tử vong. Còn sau khi ăn các thức ăn đường phố, bệnh nhân nôn ói, tiêu chảy thì đây là dạng ngộ độc thực phẩm do thực phẩm đó nhiễm vi sinh vật.

Trong những năm gần đây, tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp chưa có trường hợp nào bệnh nhân bị ngộ độc ốc hay ốc sên do độc chất bên trong của ốc. Tuy nhiên, có ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân ngộ độc thực phẩm do ăn ốc nhưng tác nhân gây độc là các vi sinh vật bên trong con ốc.

PV: Có người cho rằng ốc sên rất độc. Theo bác sĩ nhận định này đúng không?

Bác sĩ T.T.H.: Ốc sên có danh pháp khoa học là Achatina fulica, được Liên hiệp Bảo tồn thiên nhiên quốc tế xếp loại là 1 trong 100 loài động vật xâm hại tồi tệ nhất. Bản thân con ốc sên không mang độc chất như cá nóc, cóc, nấm độc,... Nhưng ốc sên là ký chủ của Angiostrongylus cantonensis, đây là một loại giun tròn có thể gây ra bệnh viêm màng não trên người trưởng thành và đặc biệt nguy hiểm ở trẻ nhỏ có thể để lại các di chứng ở hệ thần kinh.

PV: Vậy có nên dùng ốc sên chế biến thức ăn và thuốc chữa bệnh?

Bác sĩ T.T.H.: Nguồn thức ăn hiện nay của chúng ta đã rất phong phú và an toàn. Các thuốc chữa bệnh đã được kiểm soát chặt chẽ an toàn cho người bệnh. Tôi biết có một số kinh nghiệm dân gian cho rằng ăn ốc sên còn sống sẽ bổ sung được chất nhờn cho khớp, tuy nhiên điều này không đúng. Do vậy, tôi khuyên mọi người không nên ăn ốc sên hay chế biến ốc sên thành các bài thuốc chữa bệnh.

PV: Bác sĩ cho biết cách loại bỏ chất độc có trong ốc sên?

Bác sĩ T.T.H.: Cái nguy hiểm nhất trong ốc sên là con giun Angiostrongylus cantonensis. Các tài liệu cho thấy người ăn ốc sên chưa nấu chín hoặc ăn tái có tỷ lệ mắc bệnh viêm màng não tăng cao và ngay cả người chế biến ốc sên thông qua bàn tay cầm nắm cũng dễ mắc bệnh. Cho nên, ốc sên không được ăn tái và nếu muốn ăn thì phải nấu chín thật kỹ. Sau khi chế biến ốc sên nên rửa tay bằng xà phòng đúng cách.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

Hữu Nghĩa (Thực hiện)

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn