Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Cập nhật ngày: 27/05/2020 10:41:04

ĐTO - Ngày 27/5, Quốc hội họp trực tuyến xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (XHTE) từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019.


Các đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp tham dự kỳ họp Quốc hội trực tuyến

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa tham gia thảo luận từ điểm cầu Đồng Tháp. Để hạn chế và kiểm soát tình hình XHTE trong thời gian tới đạt kết quả thiết thực, theo đại biểu Hòa, Chính phủ cần chỉ đạo quan tâm một số vấn đề như đẩy mạnh, đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về XHTE và hậu quả của nó.

Trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, cần chú trọng việc lồng ghép nội dung truyền thông vào trong sinh hoạt của từng địa bàn, từng vùng, từng nơi, của thôn, ấp, tổ dân phố; trong sinh hoạt ngoại khóa của các cấp học và sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức, đoàn thể để từ đó nâng cao ý thức tự bảo vệ của trẻ trước những nguy cơ trẻ bị xâm hại. Các phương tiện truyền thông, nhà trường phải dành thời gian, thời lượng hợp lý để tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống XHTE, nhất là kỹ năng phòng tránh xâm hại.

Bên cạnh đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân nhằm xây dựng thiết chế gia đình bền vững; trang bị cho con cái biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi xâm hại; chia sẻ với con về giới tính, tình dục tuổi mới lớn. Tránh bạo lực khi con có sai phạm, phải nâng đỡ, tôn trọng ý kiến của con. Không chủ quan giao con còn nhỏ cho người khác. Đặc biệt cần tạo sự gắng kết chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương để quan tâm, chăm sóc, giáo dục, quản lý học sinh tránh nhiễm thói hư tật xấu, vi phạm pháp luật.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em kết hợp với công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, học sinh và vận động nhân dân tố giác kịp thời các hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị hữu quan, trong công tác giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, quy định rõ các thủ tục, quy trình và trách nhiệm phòng ngừa, phát hiện, tố giác, trợ giúp và giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình, cá nhân và trẻ em.

Đối với người phạm tội cần xử lý nghiêm minh, kịp thời đúng pháp luật, kiên quyết đấu tranh không để lọt tội phạm. Dành khung hình phạt cao nhất cho kẻ phạm tội trên các lĩnh vực XHTE.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo giám sát trước Quốc hội cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn từ năm 2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước có hơn 8.400 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với hơn 8.700 trẻ em bị xâm hại.

Trong đó, có hơn 6.400 trẻ bị xâm hại tình dục, chiếm gần 74% tổng số trẻ em bị xâm hại; hơn 850 trẻ bị bạo lực (chiếm gần 10%); hơn 100 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em (chiếm hơn 1,2%); hơn 1.300 trẻ bị các hình thức xâm hại khác (chiếm  hơn 15%), gồm các hành vi như hành hạ trẻ em; sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm trẻ em; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp trẻ em vi phạm pháp luật; truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy đối với trẻ em…

Hậu quả khiến 337 trẻ bị tử vong do bị xâm hại (trong đó 191 trẻ bị giết, 146 trẻ bị các hình thức xâm hại khác dẫn đến tử vong); 418 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục; 193 trẻ bị rối loạn tâm thần; 375 trẻ bị thương tật; 180 trẻ phải bỏ học…


Thanh Trúc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn