Phát huy hiệu quả mô hình “Ngày thứ Sáu nghe dân nói”

Cập nhật ngày: 30/05/2014 04:18:03

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ vừa ban hành văn bản chỉ đạo nhân rộng mô hình “Ngày thứ Sáu nghe dân nói” ở xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình.

Được biết, mô hình “Cán bộ, công chức xã Tân Thạnh định kỳ tiếp xúc, đối thoại với nhân dân ở ấp” đã được Huyện uỷ Thanh Bình chỉ đạo nhân rộng đến 13/13 xã, thị trấn trong toàn huyện, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đây là cách làm có hiệu quả, giúp cấp uỷ, chính quyền cấp xã giải quyết khá kịp thời những khó khăn, vướng mắc của nhân dân về pháp luật, từng bước đổi mới công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, góp phần nâng cao mức độ hài lòng của nhân dân đối với chính quyền ở cơ sở, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Các cấp ủy, UBND các xã, thị trấn trong huyện đều xây dựng kế hoạch triển khai, quán triệt trong nội bộ và ngoài quần chúng nhân dân được 26 cuộc, có 2.789 người dự.

Các cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân được các xã, thị trấn tổ chức thực hiện 2 tuần/lần/khóm, ấp vào chiều thứ Sáu. Thành phần tiếp xúc, đối thoại gồm: Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND, cán bộ, công chức, trưởng trạm y tế xã, thị trấn; hiệu trưởng các trường, trưởng ban nhân dân khóm, ấp nơi tổ chức tiếp xúc. Đối tượng tiếp xúc, đối thoại: nhân dân sinh sống trên địa bàn dân cư khóm, ấp. Nội dung của cuộc tiếp xúc, đối thoại gồm: góp ý về đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên; phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng, an ninh, về cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa”; những vấn đề bức xúc liên quan đời sống của nhân dân.

Đến nay, các xã, thị trấn trong huyện đều thực hiện mô hình cán bộ, công chức gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với nhân dân và tổ chức được 77 cuộc, có 3.568 lượt người dự. Các kiến nghị tập trung vào những nội dung: tình hình phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội 182 ý kiến; an toàn giao thông, môi trường 44 ý kiến; chính sách an sinh xã hội 89 ý kiến; lĩnh vực hộ tịch, hộ khẩu 41 ý kiến; quân sự 18 ý kiến; phong cách đạo đức, lối sống, tác phong và cách ứng xử của cán bộ, công chức 11 ý kiến. Các ý kiến, kiến nghị của nhân dân tại các cuộc tiếp xúc đã được giải quyết cơ bản thỏa đáng, được nhân dân đồng tình.

Qua triển khai thực hiện nhận rộng mô hình “Cán bộ, công chức tiếp xúc, đối thoại với nhân dân khóm, ấp”, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến về nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, công chức các xã, thị trấn. Đội ngũ cán bộ, công chức nâng cao năng lực công tác, chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao; lắng nghe góp ý của dân, đổi mới lề lối làm việc, rèn luyện phong cách, đạo đức tác phong khi tiếp xúc với dân, nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân. Giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của nhân dân theo thẩm quyền, được nhân dân tin tưởng tín nhiệm, tạo được sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, có trách nhiệm với dân.

Tuy nhiên, mặt hạn chế là trình độ cán bộ, công chức một số xã, thị trấn chưa nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, từ đó khi trả lời những ý kiến, kiến nghị của dân còn một số ý chưa rõ ràng, chủ trì buổi tiếp xúc phải giải trình thêm cho người dân hiểu. Một số ý kiến, kiến nghị của dân không thuộc thẩm quyền, chỉ ghi nhận và kiến nghị như (giá cả một số mặt hàng, vật tư, nhiên liệu giá cả không ổn định tăng cao, nông sản của dân làm ra không tiêu thụ được, giá thấp người sản xuất không có lãi...), nếu cấp có thẩm quyền chậm xem xét giải quyết sẽ tạo sự nhàm chán, khó mời dân cho các kỳ tiếp xúc sau.

Lê Phát Bang

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn