Ở xã Anh hùng

Cập nhật ngày: 30/04/2025 05:25:47

ĐTO - Thanh Mỹ là xã đầu tiên của tỉnh giải phóng hoàn toàn trong cuộc tấn công - nổi dậy đêm 24 rạng 25/12/1959. Là xã đông dân, nhà cửa khang trang, vườn cây trái sum sê, nhiều dừa, chuối, là nơi lòng dân hướng về cách mạng, tham gia kháng chiến thời chống Pháp. Nên không lạ, từ năm 1960, xã là nơi nuôi chứa các cơ quan từ Tỉnh ủy đến các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, nơi bộ đội thường về đóng quân. Ngã tư Thanh Mỹ có nhà máy xay lúa, các tiệm quán bán tạp hóa, cả cà phê, hủ tiếu, tấp nập xuồng ghe qua lại dừng chân, được coi là “thủ đô” Kháng chiến của tỉnh.


Ông Nguyễn Đắc Hiền - Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy (bìa trái) về thăm ông Nguyễn Văn Hải (thứ 2 từ trái sang) ngụ ấp Lợi An, xã Thanh Mỹ (Ảnh: Bá Thảo)

Từ khi giặc Mỹ gây chiến tranh đặc biệt rồi chiến tranh cục bộ, dùng chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận, liên tiếp mở những trận càn quét lớn, hàng ngày cho các loại máy bay nén bom, từng bầy trực thăng quần đảo phóng rốc-kết..., cũng là những lúc thử thách lòng yêu nước, gan vàng, dạ sắt của người dân Thanh Mỹ đối với chiến tranh đánh phá ác liệt của giặc Mỹ; là nơi Mỹ dùng máy bay B.52 ném bom rải thảm đầu tiên ở tỉnh ngày 18/5/1968. Người dân bám đất phải bí mật đắp công sự, che chòi ở các lùm cây, bờ chướng.

Từ năm 1970 - 1973, chúng tái chiếm lập yếu khu Ngã Sáu, lần lượt đóng đồn dọc kinh Nguyễn Văn Tiếp B, dọc kinh Nhứt, xã Thanh Mỹ chỉ còn lỏm giải phóng ấp Lợi Hòa, đoạn giữa kinh Ba, ta ở xen kẽ giữa 2 đồn địch. Các cơ quan tỉnh dồn về ấp Lợi Hòa. Dĩ nhiên, chúng liên tục đổ quân càn quét vùng nầy. Đặc biệt cuối năm 1972, đầu năm 1973 hòng tạo thế mạnh trên bàn hội nghị Pa-ri, chúng liên tiếp đánh bom B.52 xuống vùng này.

Dân Thanh Mỹ phải tản cư, vườn tược xác xơ, đồng ruộng bỏ hoang. Trong vùng “đất chết” đó, những người dân kiên cường cùng các đảng viên chi bộ xã, ấp vẫn bám trụ đánh giặc. Mùa nước năm 1973, du kích bao vây bức rút Đồn Mười Chiêu. Và trong đợt tấn công mở đường cho quân chủ lực Khu tiến ra quốc lộ một đoạn Cái Bè, lần lượt yếu khu Ngã Sáu, các đồn dọc Kinh Nguyễn Văn Tiếp B, kinh Nhứt bị san bằng. Cuối tháng 3/1975, xã Thanh Mỹ lại hoàn toàn giải phóng.

Dân trở về quê cũ, trong cảnh nghèo nàn phải ngày ngày dọn cỏ, lấp hố bom, hố pháo, bắc lại cầu khỉ, phá hoang, trồng chuối, trồng khoai... làm lúa mùa gầy lại cuộc sống.

Sau ngày 30/4/1975, vùng đất bỏ hoang kinh Ông Tà được qui hoạch lập vùng kinh tế mới. Từ vàm giáp kinh Bà Phủ vô tới chướng 1.000 đưa bà con Việt kiều từ Campuchia bị đẩy đuổi về ở; từ chướng 1.000 trở vô dành cho bà con giãn dân thị xã Cao Lãnh.

Không sao kể được nỗi lòng người dân Thanh Mỹ, vui mừng vì được giải phóng về lại quê nhà, buồn vì người thân bị giặc giết, đất đai, tài sản bị tàn phá, nhưng với ý chí kiên cường, ra sức lao động, dần dần sự sống hồi sinh trên đất chết.

50 năm đã trôi qua là thời gian các thế hệ người dân Thanh Mỹ tiếp nối hàn gắn vết thương, xây dựng lại quê hương. Ngã tư Thanh Mỹ giờ là khu chợ đông đúc với 2 nhà lồng chợ, những dãy phố lầu dọc ngang chất đầy hàng hóa mua bán suốt ngày. Đường bê-tông, đường nhựa chạy dọc ngang giáp xã, tới từng xóm ấp. Cầu khỉ ngày nào nay là cầu bê-tông, xe hai bánh, bốn bánh đi lại dễ dàng. Trường THCS Nguyễn Văn Tre cùng hàng chục trường Tiểu học, trường Mầm non cất kiên cố giáp các ấp trong xã. Nhà cứ thay nhau cất mới, nhà sau đẹp hơn nhà trước. Trạm xá xã có bác sĩ. Có Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng. Có tượng đài và bia ghi lại sự kiện giải phóng xã. Điện lưới quốc gia, nước sạch phủ kín các xóm ấp. Nhiều em bé sanh thời chiến tranh nay là cán bộ trong cấp ủy tỉnh, huyện. Những cánh đồng đưng ngày xưa nay là đồng lúa 2 vụ/năm.

Xin mời du khách ghé thăm một vài gia đình.

Đây là nhà ông Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1948, gần chợ Ba lẻ bảy ấp Lợi An, vốn là Trưởng Công an xã về hưu, lập vườn trên đất nhà. Ông có 2 con trai: Nguyễn Văn Dũng đang là Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Tháp Mười, Nguyễn Văn Cần nhà kế bên đang cùng ông chăm sóc khu vườn rộng 50 công. Trong đó, 40 công trồng cây ăn trái, 7 công là ao nuôi cá. Ông trồng cây theo sức hút tiêu thụ của thị trường. Trước ông trồng dừa. Dừa rớt giá. Ông trồng mai. Hằng ngàn gốc, mỗi năm, ông tuyển bán một hai trăm gốc, tùy từng gốc mà giá khác nhau. Có gốc giá trên 1 tỷ đồng, nhiều gốc giá 700 - 800 triệu đồng. Năm nay giá mai hạ, ông mới bán 150 gốc, giá 200 ngàn đồng/gốc. Ông chen trồng ổi, mỗi tuần vựa ở Tiền Giang đến lấy 400 - 500kg. Mấy năm gần đây, ông chuyển sang trồng sầu riêng. Hiện có 200 gốc trồng được 6 năm, 500 gốc trồng 2 năm. Để đi làm vườn, ông lót đan, chạy xe Honda quanh vườn. Cả vườn sầu riêng được thiết lập hệ thống tưới nước tự động. Ông cười: “Bán sầu riêng năm rồi được 2 tỷ!”. Dụng cụ làm vườn, ban đầu ông dùng trâu, rồi sắm máy xới tay, tới máy cày, máy kô-le và bây giờ nhà ông có 2 chiếc xe 7 chỗ ngồi, ông một chiếc, con ông một chiếc. Tôi thường gọi đùa ông Năm Hải là ông Năm Tỷ, vì ông nói chuyện toàn tiền tỷ!

Ghé nhà anh Nguyễn Dương Tiễn - nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tháp Mười, về hưu năm 2020, ngụ ở ấp Hưng Lợi. Nhìn ngôi nhà phải nói cho đúng là ngôi biệt thự sang trọng. Nhìn khung rào, cổng cửa kiên cố, anh bạn cùng đi hít hà: “Cả tỷ!”.

Chị nhà cho biết anh đang ở ngoài vườn chanh. Lấy điện thoại di động kêu nhà có khách, anh về. Miếng vườn rộng 23 công, anh trồng mít rồi đốn bỏ trồng lại sầu riêng và chủ yếu là chanh, giống chanh bông tím, trái chùm. Mỗi tuần, anh thuê 10 nhân công hái trái, mỗi ngày 4 tấn trái, phải hái 5 ngày mới xong một đợt. Giá bán 12 ngàn đồng/kg. Tính sơ trừ nhân công còn gần nửa tỷ. Một tháng bốn lần hái, anh chị vô gần 2 tỷ!

Ngôi biệt thự sang trọng rộng 400m2, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cao cấp. Trao đổi với chúng tôi về hướng làm ăn tới, anh đang bàn với lãnh đạo xã xây dựng khu vườn tứ giác, từ bờ kinh Nguyễn Văn Tiếp B vô đến bờ chướng 1.000 và từ kinh Lê Phước Tân vô tới Cống Kho, lập khu vườn kiểu mẫu. Trên đó, qui hoạch cây trồng có giá trị kinh tế cao, công nghệ hóa từ khâu làm đất, tưới nước, dùng phân hữu cơ, đảm bảo sản xuất sạch, trái sạch, bán giá cao, tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Còn những khu vườn bạc tỷ nữa, như vườn mai vàng của ông Trần Khánh ở ấp Hưng Lợi, vườn sầu riêng của anh bác sĩ bỏ nghề về quê lập vườn sầu riêng của anh Hồ Hoàng Sơn ở ấp Lợi An, khu vườn trồng hạnh (tắc, quất) trái chi chít ở kinh Ông Tà...

50 năm sau ngày giải phóng, Thanh Mỹ đã hoàn toàn lột xác, xóa hết tàn tích chiến tranh, xây dựng nông thôn mới, nơi đáng sống. Chỉ nói riêng về nông nghiệp, anh Trần Minh Sơn - Bí thư xã Thanh Mỹ cho biết: Diện tích trồng lúa 8.738ha, sản lượng trên 60 ngàn tấn/năm. Diện tích trồng cây ăn trái toàn xã lên 1.403ha. Đến cuối năm 2025, xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Tương lai tươi sáng đang ở phía trước một xã Anh hùng...

NGUYỄN ĐẮC HIỀN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn