Nỗ lực xử lý 12 dự án kém hiệu quả của ngành Công thương

Cập nhật ngày: 31/10/2018 06:39:28

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn Quốc hội ngày 30/10 cho biết, sẽ quyết liệt tập trung tháo gỡ, giải quyết, xử lý những tồn đọng trong 12 dự án của ngành công thương bị chậm tiến độ, kém hiệu quả để giảm thiểu tối đa thiệt hại của nhà nước. Nhiều chất vấn của đại biểu liên quan tới ngành Công thương đã được Bộ trưởng giải đáp rất cụ thể.


Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 30/10

Giảm thiểu thiệt hại cho nhà nước

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết, trong 12 dự án mà Bộ Công thương quản lý nay đã có hai nhà máy sản xuất có lãi, bốn nhà máy đã giảm lỗ, một nhà máy đã vận hành trở lại, tuy nhiên vẫn còn phân nửa các dự án chưa báo cáo.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết “sức khỏe” của các dự án còn lại. Liệu các dự án này có thể tồn tại không, hay phải giải thể, phá sản? Có xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân, chủ đầu tư các dự án này không?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh điểm từng dự án cụ thể. Ông cho biết, hai dự án bắt đầu khôi phục được hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động có lãi là Nhà máy thép Việt Trung và DAP của Hải Phòng.

Có bốn dự án từng bước khắc phục khó khăn như là Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Lào Cai, Công ty đóng tàu Dung Quất đã cắt giảm bớt mức lỗ, mặc dù vẫn còn lỗ nhưng mức độ không còn cao như trước.

Ba dự án bị dừng sản xuất kinh doanh, đặc biệt có Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ thì đã vận hành trở lại cả ba dây chuyền. Dự kiến cuối tháng 11 này cả 11 dây chuyền sẽ được vận hành trở lại với sự tham gia bao tiêu sản phẩm của các đối tác mới và cố bù được biến phí.

Dự án Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và dự án Nhiên liệu sinh học Bình Phước cũng đang hoàn tất về cơ bản những công việc chuẩn bị đầu tư và Nhà máy sinh học Bình Sơn đã bắt đầu cung cấp sản phẩm trở lại cho thị trường là xăng ethanol, đã có lãi bù được biến phí.

Riêng dự án Nhiên liệu sinh học của Phú Thọ vì vốn nhà nước dưới 30%, còn lại là vốn tư nhân nên không tham gia được vào trong tái cơ cấu. Vì quá trình đầu tư có sai về địa điểm, sai về các phương án kinh doanh nên dự án này thực ra kinh doanh không có hiệu quả và sẽ phải xem xét thực hiện những biện pháp kiên quyết nhất, tức là tổ chức cho phá sản.

Dự án của Gang thép Thái Nguyên là một dự án tương đối phức tạp vì có những tranh chấp pháp lý quốc tế với nhà thầu, tổng thầu EPC của Trung Quốc. Hiện nay chúng ta vẫn đang tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, một mặt là tiếp tục giải quyết những tồn đọng vướng mắc với tổng thầu EPC để bảo đảm tiếp tục thực hiện, hoàn tất đầu tư để phục vụ cho các giải pháp tiếp theo. Mặt khác, Chính phủ cũng đã đẩy nhanh việc tiến hành thoái vốn ra khỏi Tổng công ty thép là chủ sở hữu của dự án Tisco gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 và còn nhiều vấn đề phức tạp, cũng đang tiếp tục tiến triển theo lộ trình.

Bộ trưởng cho biết, tính đến nay 12 dự án này đã tiến hành thanh tra, bao gồm thanh tra của Chính phủ, thanh tra của Bộ cũng như thanh tra của địa phương. Bốn dự án đã chuyển cho cơ quan điều tra và đang tiếp tục xem xét những dấu hiệu khác có vi phạm thì sẽ tiếp tục tiến hành các thủ tục điều tra tiếp. Còn hai dự án đã khởi tố hình sự: dự án xơ sợi Đình Vũ, dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ và rất nhiều các cá nhân, tổ chức đã bị xử lý trước pháp luật với những hình thức xử phạt nghiêm minh và theo đúng quy định của pháp luật.

Phát triển ngành công nghiệp ô-tô trong nước

Trước câu hỏi của đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) về việc thuế nhập khẩu xe giảm từ 30% xuống 0% nhưng giá xe vẫn không giảm gây thất thu thuế cho nhà nước, thiệt hại cho người tiêu dùng, ai là người chịu trách nhiệm?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: “Trong việc cắt giảm thuế này thì chúng ta cũng đã tính toán rất kỹ trong quá trình đàm phán để bảo đảm được lợi ích của quốc gia, đặc biệt trong việc bảo đảm phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng của thị trường nội địa, nhu cầu của người tiêu dùng cũng như lợi ích và nhu cầu của các doanh nghiệp, của các ngành sản xuất. Chính vì vậy, bên cạnh việc mở cửa cho thị trường ô-tô nội địa, cho sản phẩm của AFTA của các nước ASEAN vào Việt Nam và sắp tới là các nước châu Âu... thì chúng ta cũng có những điều kiện để tiếp tục tăng cường xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng mà chúng ta có lợi thế cũng như có điều kiện phát triển. Bên cạnh đó, những chính sách đồng bộ trong phát triển các ngành sản xuất nội địa, trong các cơ chế ưu đãi cũng như biện pháp tự vệ đã có cũng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ô-tô nội địa và nhà đầu tư nước ngoài để phát triển thương hiệu ô-tô của chúng ta với mong muốn là Việt Nam sẽ là một thị trường phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp ô-tô trong nước cũng như bảo đảm nhập khẩu ô-tô của nước ngoài để phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng. Chính vì vậy, lợi ích của chúng ta sẽ được bảo đảm.

Về vấn đề thuế quan, bên cạnh việc cắt giảm thuế quan, chúng ta có những điều kiện để tăng cường hơn nữa những nguồn thu thuế khác từ doanh nghiệp, từ các lĩnh vực sản xuất và những nguồn thu khác cho ngân sách nhà nước. Đấy là điểm mà chúng ta đạt được sự cân bằng cho việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã ký kết với các nước, trong đó có các nước ASEAN.

Năm 2020 toàn bộ các thôn bản sẽ được cấp lưới điện quốc gia

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) thắc mắc, còn 180 bản của Nghệ An có nhà máy thủy điện hoạt động nhưng dân không có điện để thắp sáng. Vậy đến năm nào thì có thể cho dân được thắp sáng điện?


Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An)

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, dự kiến chúng ta thống nhất đến năm 2020 toàn bộ các thôn bản, vùng khó khăn của các tỉnh, địa phương trên toàn quốc sẽ được cấp lưới điện quốc gia thông qua chương trình từ ngân sách quốc gia cũng như từ các nguồn vốn ODA của các tổ chức tài chính quốc tế mà chúng ta đã tiến hành.

Trước băn khoăn của Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu về việc thủy điện xả lũ gây thiệt hại cho người dân, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, mùa mưa lũ năm 2018 có thể nói là lịch sử khi liên tục bốn cơn lũ xảy ra liên tiếp, trong đó hai trận lũ tương đương tần suất của 2%, tức là trung bình cứ 50 năm mới xảy ra một lần. Ba trận lũ đầu thủy điện Bản Vẽ cũng đã thực hiện tốt hoạt động xả lũ theo quy trình. Nhưng đến trận lũ thứ tư gần như dẫn đến khả năng cắt lũ của Thủy điện Bản Vẽ không còn nữa. Trận lũ này làm cho mức ba tỷ m3 nước về hồ thủy điện Bản Vẽ, gấp 10 lần dung tích phòng lũ cho hạ du của hồ Bản Vẽ. Vì vậy, việc Thủy điện Bản Vẽ không còn khả năng cắt giảm lũ cho hạ du trong trận lũ cuối cùng là điều không thể tránh được.

Những trận lũ đã gây thiệt hại rất lớn cho Thủy điện Bản Vẽ, những cây cầu dân sinh cũng như là các thiệt hại lên đời sống của nhân dân, các công trình thủy nông cũng như là đường xá đều bị tác động ảnh hưởng. Công ty thủy điện Bản Vẽ cũng như các cơ quan chức năng, Tập đoàn Điện lực đều tham gia các hoạt động an sinh xã hội, đóng góp để hỗ trợ cho địa phương. Ví dụ: Thủy điện Bản Vẽ hỗ trợ nhân dân của những vùng ảnh hưởng lũ lụt thông qua UBND tỉnh Nghệ An là 100 triệu đồng, Tập đoàn Điện lực đã hỗ trợ hơn 500 triệu đồng trong các đợt khác nhau cũng như hỗ trợ cho từng người dân trong mùa lũ.

LÊ HÀ - Ảnh: DUY LINH (NDĐT)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn