Lộ trình tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Cập nhật ngày: 07/06/2017 10:15:27

ĐTO - Tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã có Kết luận số 63-KL/TW về một số vấn đề cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020. Sau đó, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC)... với quan điểm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử. Tinh giản biên chế nhằm đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được tiến hành đồng bộ với hoạt động cải cách hành chính, cải cách tiền lương và đổi mới tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.


Tinh giản biên chế tạo điều kiện cho người có năng lực, trình độ vào làm việc tại cơ quan nhà nước

Theo đó, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015-2021); xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của Bộ, ban, ngành, tổ chức, chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số CB,CC,VC mới không quá 50% số biên chế CB,CC,VC đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế CB,CC,VC đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định. Từ năm 2015 và 5 tháng đầu năm 2017, cả nước có 24.804 người được giải quyết tinh giản biên chế tại các cơ quan Đảng, đoàn thể (hưởng chính sách hưu trước tuổi, hưởng chính sách thôi việc ngay); cơ quan hành chính; đơn vị sự nghiệp công lập; cán bộ công chức cấp xã; doanh nghiệp nhà nước.

Theo Bộ Nội vụ, việc tinh giản biên chế đã mang lại những kết quả tốt như giải quyết chế độ, chính sách kịp thời, đầy đủ cho công, viên chức thuộc diện dôi dư do sắp xếp lại bộ máy, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc cơ cấu lại tổ chức bộ máy các đơn vị thuộc, trực thuộc; tạo điều kiện cho các đơn vị bổ sung những người có trình độ đào tạo, chuyên môn, nghiệp vụ cao, có ngoại ngữ, tin học, sức khỏe vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, từng bước cơ cấu lại; việc triển khai đồng bộ, công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, cùng với chính sách hỗ trợ hợp lý đã động viên, tạo điều kiện cho những người tinh giản biên chế sau khi nghỉ việc có thêm một khoản kinh phí để đảm bảo ổn định cuộc sống.

Hướng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC,VC thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách, tiền lương.

Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CB,CC,VC theo lộ trình thực hiện đến năm 2021, Bộ Nội vụ cùng các Bộ, ngành, địa phương đề ra các giải pháp tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ CB,CC,VC, theo đó tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương tinh giản biên chế, thường xuyên triển khai, quán triệt tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW, Quyết định số 2218/QĐ-TTg, Nghị định số 108/2014/NĐ-CP đến toàn thể CB,CC,VC.

Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Đề án tinh giản biên chế, xác định rõ tỷ lệ tinh giản biên chế. Kiện toàn tổ chức bộ máy qua việc rà soát lại chức năng nhiệm vụ của cơ quan tổ chức, đơn vị trực thuộc theo nguyên tắc một cơ quan, đơn vị làm nhiều việc...; rà soát, kiện toàn, mô hình tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, xóa bỏ các tổ chức trung gian; xác định số biên chế cấp phó của từng cơ quan, hoàn thiện, bổ sung các quy định của pháp luật về số lượng cấp phó, đồng thời thực hiện đúng quy định về số lượng cấp phó của từng cấp.

Quy trình thực hiện đến năm 2021 mỗi năm các bộ, ngành, địa phương giảm từ 1,5 - 2% biên chế công chức, biên chế sự nghiệp được giao; thực hiện tinh giản biên chế đối với CB,CC,VC không hoàn thành nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định; đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ. Người đứng đầu cơ quan từ Trung ương đến địa phương nếu không hoàn thành kế hoạch tinh giản biên chế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải bị xử lý trách nhiệm về Đảng, Nhà nước.

C.PHƯƠNG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn