Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Vai trò của báo chí trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Cập nhật ngày: 06/06/2017 14:10:43

Ngày nay, báo chí đã và đang trở thành yếu tố hết sức quan trọng đối với sự phát triển xã hội. Trong cuộc sống hằng ngày, hầu như mọi người luôn sống cùng với báo in, báo điện tử, báo hình, báo nói,... và hầu như mọi sự kiện, tin tức, vấn đề, hiện tượng, hành vi,... trong cuộc sống, trong các lĩnh vực hoạt động của con người đều nhanh chóng được phổ biến, được nhiều người biết tới.

Vì thế, khi báo chí thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ, phát huy được tính tích cực xã hội của mình, nó sẽ trở thành lĩnh vực có vai trò hết sức quan trọng trong việc khẳng định, phổ biến các giá trị tiên tiến, phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bồi đắp và giúp con người nâng cao nhận thức, hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ để hoàn thiện bản thân, đóng góp với xã hội... Đồng thời, báo chí cũng là phương tiện quan trọng giúp chỉ rõ, đấu tranh với các hành vi tiêu cực, phê phán cái xấu, vạch trần sự bất lương và các việc làm gây tổn hại xã hội, cộng đồng. Vì thế, trong hoạt động phòng, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XII) đặt ra, chúng ta cần nhấn mạnh và tiếp tục phát huy vai trò của báo chí.

Từ sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, những thế lực chủ mưu của “diễn biến hòa bình” đã rút được một kinh nghiệm là chỉ có làm băng hoại, thối ruỗng từ bên trong mới có thể lật đổ được vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, làm chệch hướng phát triển xã hội. Vì thế, họ xác định một cách rõ ràng, cụ thể về mục tiêu là cố tìm mọi cách đẩy tới tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong bộ máy tổ chức, lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước.

Để gây nên tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bên cạnh nhiều thủ đoạn tuyên truyền “trắng - xám - đen” nhằm gieo rắc nghi ngờ, ngộ nhận về lý tưởng và lý luận, xuyên tạc sự lựa chọn và định hướng phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, xuyên tạc tiến trình cách mạng và một số sự kiện đã xảy ra trong quá khứ,... các thế lực thù địch đồng thời lợi dụng các quan hệ giao lưu văn hóa, kinh tế với thế giới của Việt Nam để quảng bá, truyền bá lối sống thực dụng, ích kỷ, chạy theo lợi ích vật chất hẹp hòi của cá nhân, xem nhẹ lợi ích xã hội, lợi ích cộng đồng,... từ đó tác động, làm tha hóa về đạo đức.

Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thường không diễn ra một cách công khai, mà lặng lẽ xuất hiện trong suy nghĩ, nhận thức nếu cán bộ, đảng viên để bản thân tự thoái hóa, tự dao động, khiến niềm tin giảm sút, hoặc lơi là, mất cảnh giác, và khi có điều kiện thì trực tiếp bộc lộ qua quan điểm (như: phát ngôn ngược với đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước, truyền bá một số luận điệu nhặt nhạnh trên in-tơ-nét vốn là sản phẩm do thế lực thù địch, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, hoặc do cá nhân bất mãn với xã hội đưa ra,...), qua hành vi (như: tham nhũng, móc ngoặc, hối lộ, thu nhập bất minh, độc đoán chuyên quyền, kéo bè kéo cánh lũng đoạn tổ chức, sống xa dân và xa rời thực tế, không quan tâm đến lợi ích của nhân dân mà chăm chăm vun vén cho lợi ích của bản thân và gia đình, dần dà trở thành “quan cách mạng”,...).

Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XII) chỉ rõ, để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, chúng ta cần phải “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”. Vì thế, khi phát huy vai trò báo chí trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, từ mỗi người làm báo, mỗi tòa soạn báo tới toàn bộ nền báo chí cách mạng cần nghiêm túc quán triệt yêu cầu này. Tuy nhiên, cần lưu ý là từ đặc thù của một lĩnh vực hoạt động xã hội hết sức đa dạng, sinh động, có ảnh hưởng với đời sống và con người, cho nên việc phát huy vai trò của báo chí trong phòng, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng có những đòi hỏi riêng.

Như đối với “xây”, một mặt báo chí cần bám sát thực tiễn, qua đó phát hiện, phản ánh về “người tốt, việc tốt”, “những tấm gương bình dị mà cao quý”, “việc tử tế” của cán bộ, đảng viên, đồng thời khái quát để có thể nhân rộng hành động, việc làm “ích nước, lợi dân”; mặt khác, báo chí cũng không thể coi nhẹ việc triển khai những bài vở tập trung phân tích các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước một cách cập nhật, giản dị, gần gũi,... phù hợp với các đối tượng bạn đọc khác nhau, vừa giúp cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, trình độ, quán triệt các vấn đề lý luận cơ bản, vừa giúp bạn đọc nắm bắt, thấu hiểu, thực hành trong đời sống. Khi trình độ dân trí đã nâng cao, khi sự đào tạo, tích lũy tri thức, sự trải nghiệm của bạn đọc không còn ở trong trình độ sơ giản,... thì việc nâng cao tính thuyết phục của các tác phẩm báo chí có tính xây dựng là đòi hỏi hết sức cần thiết, khi tác phẩm bảo đảm tính thuyết phục, thì niềm tin của bạn đọc cũng sẽ tiếp tục được củng cố, nâng cao.

Đối với “chống”, thực tế nhiều năm nay, báo chí đã tham gia khá đắc lực trong các hoạt động phòng, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Từ vai trò của báo chí, một số vụ việc tiêu cực, tham nhũng, một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước,... đã bị phát hiện, phanh phui. Báo chí đã đóng góp tích cực trong việc tạo ra một trong các tiền đề giúp cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý, được dư luận đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, do “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mang tính quá trình, cho nên trong một số vụ việc tiêu cực, một số biểu hiện thoái hóa, biến chất là kết quả của một quá trình tự biến đổi từ trước, và điều này đặt ra yêu cầu khi phát huy vai trò của báo chí trong phòng, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không chỉ hướng tới kết quả, phát hiện mà cần có tác phẩm báo chí mang ý nghĩa tìm hiểu, phát hiện, dự báo, vạch rõ các nguyên nhân “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Có thể nói, đây là vấn đề mà thời gian qua, một số cơ quan báo chí còn tỏ ra lơi là, thiếu nhạy bén, nể nang, ngại đề cập đến các cán bộ, đảng viên. Đáng chú ý, khi thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đưa ra luận điệu sai trái, xuyên tạc, bịa đặt,... trên in-tơ-nét để tác động tới quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì một số cơ quan báo chí lại chưa chủ động đề cập, phân tích, bác bỏ, mà có xu hướng ỷ lại, coi đó là nhiệm vụ riêng của các cơ quan báo chí của Đảng, Quân đội, Công an, hoặc của cơ quan chức năng Nhà nước.

Để phát huy vai trò của báo chí trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cần triển khai một cách toàn diện trong phạm vi hệ thống xã hội, chủ động, tích cực, luôn có sự phối hợp chặt chẽ, liên thông giữa các cơ quan báo chí, phát huy được ưu thế, khả năng riêng của mỗi loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Và một trong những vấn đề quan thiết mà báo chí cần chú ý khi tham gia phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là luôn phải bảo đảm tính khách quan, chính xác trong cung cấp thông tin, đánh giá và kết luận, không đưa ra thông tin chưa được kiểm chứng, không đề cập theo lối phỏng đoán, chủ quan, cảm tính; đặc biệt, cần luôn chú ý không để cơ quan báo chí biến thành công cụ giúp người liên quan đấu đá nội bộ, bôi nhọ hay vu khống tổ chức, cá nhân...

Nói cách khác, để phát huy vai trò của báo chí, mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí cần vừa có “tâm” vừa có “tầm”, nhiệt huyết với sự nghiệp đấu tranh nhằm hạn chế, đẩy lùi và triệt tiêu tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên nói riêng, trong toàn xã hội nói chung. Với nỗ lực tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên trong nhận thức và hành động, từ sự quan tâm sâu sát cùng thái độ kiên quyết của tổ chức Đảng từ địa phương tới trung ương, của chính quyền các cấp khi xử lý những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kết hợp với sự vào cuộc khách quan, công tâm, mạnh mẽ, có lý có tình của báo chí, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng vào những kết quả tốt đẹp.

Theo Bình Giang (Nhân Dân)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn