Giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn trên địa bàn dân cư

Cập nhật ngày: 30/09/2015 12:39:24

Tỉnh Đồng Tháp có 699 chi đoàn khóm, ấp với hơn 34.000 đoàn viên (ĐV) khu vực nông thôn và thành thị, chiếm 38,5% tổng số ĐV trong cả tỉnh.


Một buổi sinh hoạt chi đoàn khóm, ấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: minh họa)

Thời gian qua, tình hình tổ chức và hoạt động của các chi đoàn trên địa bàn dân cư tương đối ổn định, nhân sự được củng cố kiện toàn, công tác kết nạp ĐV mới và giới thiệu ĐV ưu tú được quan tâm thực hiện. Các chủ trương, nhiệm vụ của Đoàn được các chi đoàn phổ biến và vận động ĐV, thanh niên (TN) thực hiện và đạt nhiều kết quả phấn khởi, nhất là phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, các phong trào tình nguyện tại địa phương như: an toàn giao thông, phòng, chống lụt bão, thực hiện phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa. Đặc biệt, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh như vận động TN đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, quản lý cảm hóa giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến, hình thành các tổ hợp tác phát triển kinh tế được các chi đoàn thực hiện tốt.

Tuy nhiên, hoạt động của nhiều chi đoàn trên địa bàn dân cư còn hạn chế, chưa duy trì chế độ sinh hoạt Đoàn theo quy định, nội dung và hình thức sinh hoạt thiếu hấp dẫn. Nội dung hoạt động chưa đáp ứng nhu cầu của ĐV, TN. Tỷ lệ ĐV một số nơi đến sinh hoạt chưa đầy đủ; tỷ lệ tập hợp TN vào tổ chức Đoàn khu vực dân cư chưa đạt theo yêu cầu.

Theo Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh đoàn, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, TN phải lo kinh tế gia đình, nên tỷ lệ TN khu vực nông thôn đi làm ăn xa hoặc làm ở các doanh nghiệp chiếm số lượng lớn. Thông thường lực lượng này không có mặt ổn định tại địa phương nên khó tập hợp. Số TN còn ở địa phương ít, thụ động trong lập thân, lập nghiệp, thậm chí một bộ phận TN nhận thức kém, có nguy cơ vi phạm pháp luật, nên đối chiếu với tiêu chuẩn kết nạp Đoàn chưa đạt yêu cầu, cần phải có thời gian bồi dưỡng.

Cũng theo BTV Tỉnh đoàn, đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở, Bí thư các chi đoàn thường xuyên thay đổi, nhân sự mới thiếu kinh nghiệm và kỹ năng công tác, người quen việc thì lại tiếp tục chuyển. Chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ Đoàn trên địa bàn dân cư chưa chiều, chưa tạo động lực để phấn đấu thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay, chủ yếu làm việc theo tinh thần tình nguyện là chính. Mặt khác, công tác bố trí nhân sự Bí thư chi đoàn mang tính chấp vá, tình huống, chưa có tính quy hoạch nên chưa được đào tạo, tập huấn trước khi phân công nhiệm vụ. Công tác hướng dẫn, hỗ trợ, đồng hành của Đoàn cơ sở đối với chi đoàn chưa thường xuyên. Công tác phối hợp với chi bộ để lãnh đạo chưa chặt chẽ. Năng lực nhiều đồng chí Bí thư chi đoàn trong việc suy nghĩ, đề ra nội dung, điều hành hoạt động chi đoàn còn hạn chế. Công tác quản lý và nắm TN chưa chặt chẽ.

Từ những thực trạng trên, BTV Tỉnh đoàn đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chi đoàn. Cụ thể, triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn cơ sở và chi đoàn khóm, ấp. Trọng tâm là cải tiến và nâng cao chất lượng, phương pháp làm việc BTV Đoàn cơ sở; phương pháp hỗ trợ các chi đoàn trên địa bàn dân cư. Đồng thời, ban hành hướng dẫn về quy trình kết nạp ĐV mới và giới thiệu ĐV ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp.

Về tổ chức, hướng dẫn quy trình tổ chức các cuộc họp của Đoàn cấp huyện và cơ sở để hướng dẫn cơ bản về nội dung, chương trình, thành phần cuộc họp và phân công công tác chuẩn bị nội dung cuộc họp. Triển khai hướng dẫn quy trình sinh hoạt chi đoàn mẫu, trong đó có hướng dẫn cụ thể các bước chuẩn bị trước khi sinh hoạt chi đoàn về quy trình, nội dung, hình thức tiến hành sinh hoạt chi đoàn cho từng loại hình khu vực: chi đoàn trên địa bàn dân cư; chi đoàn ngành, doanh nghiệp; chi đoàn lực lượng vũ trang; chi đoàn giáo viên; chi đoàn học sinh, sinh viên.

BTV Tỉnh đoàn có hướng dẫn thành lập và hoạt động Câu lạc bộ Bí thư chi đoàn. Đây là giải pháp để tập huấn, triển khai các nội dung trọng tâm của Đoàn và chia sẻ kinh nghiệm giữa đội ngũ Bí thư chi đoàn. Song song đó, triển khai kế hoạch cán bộ cơ quan Tỉnh đoàn đồng hành với cơ sở trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đây là giải pháp để cán bộ phong trào cơ quan Tỉnh đoàn tiếp cận thực tiễn cơ sở để triển khai làm điểm các nhiệm vụ trọng tâm, từ đó đánh giá, rút kinh nghiệm và chia sẻ kinh nghiệm cho các đơn vị còn lại trong quá trình triển khai các nhiệm vụ trọng tâm.

Theo BTV Tỉnh đoàn, nhiều đơn vị huyện, thị, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc sáng tạo xin chủ trương và được sự thống nhất của BTV Tỉnh đoàn triển khai thí điểm một số hình thức nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn như: sinh hoạt chi đoàn theo cụm ở khóm, ấp (huyện Châu Thành); sinh hoạt chi đoàn thông qua mạng internet (Đoàn khối các Cơ quan tỉnh); đưa ĐV chi đoàn cơ quan hành chính cấp xã chuyển ĐV về sinh hoạt khóm, ấp (huyện Tam Nông); sinh hoạt chi đoàn theo ngành nghề sở thích (huyện Lấp Vò); hỗ trợ Bí thư chi đoàn phát triển kinh tế (huyện Thanh Bình)..., bước đầu đã mang lại kết quả khả quan.

DƯƠNG ÚT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn