Diện mạo mới ở vùng căn cứ cách mạng Long Hưng A

Cập nhật ngày: 22/04/2015 13:56:50

Xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò có bề dầy lịch sử, giàu truyền thống cách mạng; có nhiều di tích cách mạng thời chống Pháp và Mỹ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Long Hưng A tạo được nhiều dấu ấn trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Hệ thống giao thông nông thôn kết hợp với đê bao bảo vệ sản xuất phát huy hiệu quả

Trong 3 năm kháng chiến ác liệt (1969-1971), chi bộ Đảng, quân và dân Long Hưng (hiện nay là Long Hưng A) đã kiên cường bám trụ, nuôi chứa, bảo vệ cán bộ chiến sĩ của xã nhà và bảo vệ cơ quan của Huyện ủy, cán bộ chiến sĩ của tỉnh Vĩnh Long (trên địa bàn xã Long Hưng A có 2 căn cứ cách mạng của Huyện ủy Lấp Vò và tỉnh Vĩnh Long). Lực lượng vũ trang của xã hoạt động xông xáo, gan dạ có nhiều mưu mẹo, sáng tạo trong chiến đấu đã góp phần tiêu hao, tiêu diệt hàng trăm tên địch và giữ vững các căn cứ cách mạng trên địa bàn xã.

Những ngày cuối tháng 4/1975, đồng chí Dương Văn Thắng (Mười Thắng) - Bí thư chi bộ xã trực tiếp chỉ huy các lực lượng tấn công chiếm chi khu Vàm Đinh, sáng ngày 1/5 chiếm đồn Cái Tắt. Đây là đồn, trụ sở tề ngụy cuối cùng của địch ở xã Long Hưng A. Tổng cộng hàng trăm tên là cảnh sát, bình định, phòng vệ xung kích, phòng vệ dân sự hoảng loạn, cởi bỏ quân phục, quăng súng tháo chạy, lớp đầu hàng, lớp bị bắt. Từ đây, xã Long Hưng A hoàn toàn giải phóng, cờ Mặt trận và cờ đỏ sao vàng phất phới tung bay trước mỗi nhà dân. Ngày 2/5/1975, Long Hưng A tổ chức mít tinh mừng chiến thắng và ra mắt Ủy ban Quân quản xã do đồng chí Dương Văn Thắng làm Chủ tịch.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc của nhân dân và lực lượng vũ trang trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho xã Long Hưng A.

Sau 30/4/1975, cấp ủy và chính quyền tập trung đẩy mạnh sản xuất, trong đó chú trọng đầu tư cơ sở hạng tầng (hệ thống thủy lợi, đường giao thông kết hợp với đê bao chống lũ). Đồng thời, kết hợp với chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhờ đó kinh tế xã Long Hưng A ngày càng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Năm 2014, diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã trên 2.987ha, trong đó diện tích đất trồng lúa là 2.902ha, năng suất bình quân đạt 6,3 tấn/ha. Chỉ riêng trong năm 2014, thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” xã Long Hưng A đã triển khai xây dựng mới và sửa chữa 11 cây cầu gỗ và bê tông cốt thép với tổng kinh phí lên đến hàng tỷ đồng. Đến nay, Long Hưng A đạt 12/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Lĩnh vực xã hội, công tác huy động học sinh ra lớp luôn đạt kế hoạch, không có học sinh bỏ học cấp Tiểu học, chất lượng học tập của các cấp học tăng hơn so với các năm học trước. Địa phương cũng quan tâm, chăm lo sức khỏe, đời sống và chi trả kịp thời các chế độ chính sách cho các gia đình chính sách. Số hộ nghèo của xã giảm còn 115 hộ, chiếm 4,69% vào cuối năm 2014.

DŨNG CHINH

Sau ngày giải phóng, Long Hưng A có hơn 1.000 cán bộ, đảng viên, chiến sĩ hy sinh và bị thương tật, trong đó có 24 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng (4 Mẹ còn sống); 4 Anh hùng lực lượng vũ trang (1 Anh hùng còn sống); 201 liệt sĩ; 300 đối tượng có công với cách mạng được hưởng trợ cấp hàng tháng và có 465 đối tượng được hưởng chế độ chính sách khác.

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn