Cuối năm, nghĩ chuyện giàu - nghèo

Cập nhật ngày: 15/01/2017 06:46:28

Giàu - nghèo là hai cực đối lập nhau. Nội dung của giàu - nghèo từ xưa ông bà ta đã chỉ ra nhiều mặt. Có người giàu tiền của nhưng nghèo về nhân nghĩa, đạo đức. Có người nghèo về vật chất nhưng giàu về nhân cách, trí tuệ. Các chuyện Thạch Sanh - Lý Thông, Trần Minh khố chuối... đều phản ánh hai mặt đối lập nhau về giàu và nghèo. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ của nhân dân Việt Nam cũng thể hiện rõ một bên giàu tiền, giàu súng đạn và sự tham lam, tàn bạo, với một bên nghèo về vật chất, ít tiền, thiếu súng nhưng giàu lòng yêu nước, yêu độc lập tự do, giàu ý chí, nghĩa nhân.

Từ sau ngày thống nhất đất nước, chúng ta đứng lên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ nền tảng một nước nghèo về vật chất sau mấy mươi năm bị chiến tranh tàn phá. Xóa đói giảm nghèo là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Qua mấy mươi năm thực hiện, đến nay nhìn lại, là người Việt nam hay người nước ngoài, các tổ chức quốc tế đều thấy rõ và công nhận về kết quả xóa đói giảm nghèo, tiến lên giàu có của đất nước ta.

Đảng ta cũng chỉ ra rằng phát triển kinh tế phải song song với phát triển văn hóa, hài hòa và tác động qua lại lẫn nhau giữ vật chất với văn hóa, tinh thần, cũng có nghĩa vừa làm giàu về kinh tế vừa làm giàu đời sống văn hóa. Trong thời đại tiến bộ phi thường về khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, Đảng ta cũng chỉ ra mặt nghèo của dân ta về tri thức, còn nhiều mặt khá xa với trình độ sáng tạo của các nước tiên tiến. Những quan điểm, chủ trương như xem phát triển khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, cải cách giáo dục, phát triển khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, phát động mọi người đều học tập, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, chống tiêu cực, tham nhũng, trau dồi phẩm chất đạo đức, xem đạo đức là gốc để phát triển tài năng..., đều là nhằm mục tiêu xóa nghèo, làm giàu về văn hóa, tinh thần, về năng lực làm việc.

Song khi tổ chức thực hiện, chúng ta châm bẩm giảm nghèo về kinh tế - điều này rất đáng vì kinh tế là cơ sở vật chất để phát triển đất nước, gia đình - song ít quan tâm đến giảm nghèo về trí tuệ, phẩm chất, năng lực làm việc, sáng tạo của mỗi người. Một gia đình nghèo, ta giúp họ có ngôi nhà tình nghĩa ấm cúng, trợ cấp gạo ăn hàng tháng, trị bệnh miễn phí ở các cơ sở điều trị bệnh nhân đạo, dịp lễ, Tết lo hỗ trợ gạo, tiền, dầu ăn, bánh mứt... Điều tra, phân loại hộ nghèo, cận nghèo để có kế hoạch từng năm giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo. Một hộ nghèo mà thiếu ý chí phấn đấu tự vươn lên để thoát nghèo, thiếu suy nghĩ, cách nghĩ, thiếu năng lực, tìm biện pháp để thoát nghèo thì họ chỉ là cái tàu há miệng đón nhận mà thiếu động lực để đẩy tàu đi. Chúng ta thường nói giúp cần câu hơn giúp con cá. Việc đó đúng. Song ít quan tâm chỉ cách cho họ biết sử dụng cần câu, biết móc mồi gì, câu ở đâu, cách câu ra sao, tức giúp họ biết tự nâng lên năng lực, hiểu biết, ý chí, quyết tâm vươn lên của bản thân, của gia đình mình, không để họ hình thành tâm lý, thói quen chỉ biết trông chờ sự giúp đỡ của xã hội, của Nhà nước. Thực tế chứng minh một số hộ được Nhà nước bồi hoàn tiền đất cả trăm triệu nhưng vì thiếu ý chí, thiếu năng lực, không biết cách làm ăn để càng khá giàu, mà rung đùi tiêu xài, thời gian ngắn lại hoàn nghèo.

Năm mới con gà lại về. Con gà biết tự bươi để kiếm ăn, biết cất cao tiếng gáy. Tư tôi hy vọng và chúc năm mới mỗi người đều có suy nghĩ mới, phấn đấu mới, sáng tạo mới để đất nước ta, mỗi gia đình và mỗi người chúng ta vừa giàu về kinh tế, vừa giàu về tri thức, trí tuệ, năng lực, phẩm chất đạo đức, tinh thần...

Tư Rèn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn